Chủ nhật, 20/4/2014, 11h04

“Sốt” với dịch sởi

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM (ảnh chụp chiều 19-4)
Sau 5 năm, dịch sởi tạm lắng, đến nay bắt đầu bùng phát với số ca mắc lên khoảng 3.300 ca trong tổng số gần 9.000 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Điều đáng quan ngại là dịch sởi đã xảy ra ở 61/63 tỉnh, thành. Hiện các bệnh viện (BV) nhi đang “sốt” với bệnh nhi mắc bệnh sởi…
Hàng trăm trường hợp mắc mới mỗi ngày
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến cuối ngày 18-4, cả nước ghi nhận thêm 120 trường hợp mắc sởi mới trong tổng số 258 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 31 tỉnh, thành phố. Cũng trong ngày, tại BV Nhi TW có 2 trường hợp nặng phải xin về. Cả 2 trường hợp đều viêm phế quản phổi, xét nghiệm dương tính với sởi. Cả 2 đều dưới 9 tháng tuổi và chưa tiêm vaccine phòng sởi.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trong tổng số 8.779 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Hiện có 25 trường hợp tử vong do sởi trong tổng số 114 trường hợp nặng xin về và có liên quan đến sởi. “Các trường hợp nặng và tử vong liên quan là những bệnh nhân có sẵn bệnh nặng, hoặc bị nhiễm bệnh viêm phổi, bị biến chứng sau mắc sởi. Số tử vong chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó số trẻ tử vong do sởi ở Hà Nội chiếm khoảng 50%. Chưa ghi nhận trẻ tử vong do sởi ở khu vực miền Nam”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết.
Tại 3 BV lớn ở Hà Nội (BV Nhi TW, BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới TW) hiện đang điều trị cho 308 bệnh nhi sởi, trong đó có 22 trường hợp phải thở máy. Chỉ riêng BV Nhi TW, đang điều trị cho 230 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp mới nhập viện, 18 trường hợp phải thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cũng khẳng định: “Bệnh sốt phát ban nghi sởi tăng lên rất nhiều từ sau Tết. Đến nay, mặc dù đã triển khai tiêm bù vaccine từ đầu tháng 3 nhưng chưa có dấu hiệu giảm. Bệnh xuất hiện ở 24/24 quận, huyện, trong đó tập trung nhiều ở quận 7, 8, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh”…
Phải “lăn xả” vào chống dịch

Một bệnh nhi bị sởi biến chứng viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh chụp chiều 19-4. Ảnh: H.TRiều
Hiện nay Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 địa phương có số ca mắc sởi cao, đặc biệt là Hà Nội với trên 1.000 ca mắc từ đầu năm đến nay, số tử vong chiếm 50% số tử vong của cả nước. Mỗi ngày Hà Nội có khoảng 10 ca mắc mới. Không những vậy, Hà Nội và TP.HCM là nơi tập trung các BV tuyến cuối nên bệnh nhân ở các tỉnh đổ về điều trị sởi rất nhiều.
Theo đó, ngày 18-4, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch sởi tại 2 địa phương này để khắc phục tình trạng quá tải BV, đồng thời giảm số ca tử vong và mắc mới.
“Bệnh sởi là bệnh có khả năng lây truyền rất cao. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Để phòng bệnh, trong giai đoạn dịch sởi đang diễn ra, cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người và người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, để tránh tình trạng mang vi khuẩn virus trong môi trường về cho trẻ. Người lớn phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ nhằm phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh và đưa đi khám. Song, cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine sởi, tiêm đúng và đủ 2 mũi”, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nhấn mạnh.
Theo đó các địa phương đã và đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vét vaccine cho những trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ 2 mũi của cả nước đã đạt khoảng 55%.
Tại TP.HCM, bác sĩ Dũng cho biết: “TP.HCM đã mở rộng đối tượng tiêm lên tới trẻ 3 tuổi thay vì là 2 tuổi như cả nước. Dự kiến đến cuối tháng này, tỷ lệ trẻ trong diện phải được tiêm đạt 95%. Trong trường hợp không đạt được thì sẽ tiếp tục tiêm trong tháng tiếp theo…”.
Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và báo cáo của các viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi. 
Ở khu vực trường học, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng - Phó trưởng phòng Học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM - cũng cho biết: “Hiện nay các đoàn kiểm tra liên ngành giáo dục và y tế đang tiến hành kiểm tra công tác y tế học đường. Trong đó có kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi”.
Theo bà Nguyễn Thị Trúc Ly - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh - thì: “Hiện ở một số trường mầm non cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn huyện có trẻ mắc bệnh sởi. Tuy vậy chỉ lẻ tẻ một hai ca. Khi có ca mắc, nhà trường đã báo ngay với trạm y tế xã để tiến hành tổng vệ sinh, phun xịt thuốc khử khuẩn. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy đậu, bệnh sởi cho cán bộ y tế trường học vào ngày 4-4 vừa qua”.
Ở quận Thủ Đức, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế, tăng số buổi tiêm chủng hàng tháng và tổ chức tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ chưa tiêm. Các trường mầm non, nhóm trẻ kiên quyết không nhận trẻ khi phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm chủng đúng theo lịch.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Tử vong sẽ tiếp tục tăng
Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sởi năm 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010, tuy nhiên số trường hợp mắc nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng do: Một số bệnh nhân là trẻ em nhỏ, trong đó có nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi nên dễ diễn biến nặng phải điều trị thời gian dài; quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong BV khó khăn; điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển; tâm lý lo lắng nên nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại BV Nhi TW và các BV của thành phố Hà Nội gây hiện tượng quá tải cục bộ.
K.Anh