Thứ sáu, 2/7/2010, 08h07

Anh Mười Cúc của nhân dân Nam bộ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tham quan triển lãm ảnh về đồng chí Nguyễn Văn Linh tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Ảnh: D.Bình

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915/1-7-2010), ngày 30-6, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM”.
“Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh trải qua gần 70 năm, trong đó có một nửa thời gian gắn bó máu thịt với chiến trường Nam bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM. Buổi tọa đàm nhằm khẳng định và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của đồng chí. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực học tập phẩm chất cộng sản cao quí, tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí…”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua phát biểu.
8 lần làm lãnh đạo TP.HCM
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Đức Cúc (thường gọi là Nguyễn Văn Cúc, Mười Cúc), sinh ra trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. 14 tuổi (năm 1929), ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng. “Từ đây đồng chí đã hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hai lần bị thực dân Pháp bắt và xử án tù đày đi Côn Đảo. Trong 10 năm ở chốn lao tù của đế quốc - địa ngục trần gian, đồng chí luôn giữ vững khí tiết, nêu cao khí phách bất khuất, kiên trung, biến nhà tù thành trường học”, ông Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.
Sau khi ra tù, ông đã được Đảng tin cậy cử đến hoạt động ở những nơi phong trào cách mạng gặp khó khăn, đặc biệt là chiến trường miền Nam. Với những cương vị lãnh đạo như Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Phó bí thư, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất.
Ông đã cùng với quân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và thống nhất tổ quốc.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Sau năm 1986, là Tổng bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới.
“Trong những lúc thành phố gặp khó khăn, đồng chí đều được Đảng điều về đây làm lãnh đạo (từ năm 1939 đến năm 1986 là 8 lần)”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nói.
Tình cảm với anh Mười Cúc
Ông Võ Trần Chí - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nhớ lại: “Mậu Thân năm 1968 tôi mới biết anh Mười Cúc. Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh là người dễ mến, kiên nhẫn và biết lắng nghe. Tính tình của anh vui vẻ nhưng ít cười, đặc biệt là cười thành tiếng. Đức tính mà tôi tiếp thu được từ anh Mười là tôn trọng mọi người. Anh tôn trọng lãnh đạo, trí thức và cả công nhân, nhân viên bảo vệ”…
“Khi anh Mười Cúc về làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, tình hình lúc đó hết sức khó khăn, ách tắc đủ thứ. Anh Mười đã quyết định khai thác tiềm năng của thành phố bằng xuất nhập khẩu. Vì trước đây thành phố có quan hệ tốt với tư bản. Năm 1985, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 25 triệu USD, cao hơn của cả nước”, ông Lâm Tư Quang - nguyên thành viên Ban Hoa vận TP.HCM kể lại.
Chính cái sự đi ngược lại đường lối chủ trương của Trung ương, không đồng tình với nền kinh tế tem phiếu “mua như cướp, bán như cho”, tháng 3-1983, ông đã phải tiếp đoàn thanh tra của Bộ Tài chính. “Khi hay tin Trung ương vào thanh tra, anh đã gọi tôi lên hỏi có ai lợi dụng công việc để tham ô không? Tôi khẳng định là không có. Lúc đó anh nói thế là tốt. Và khi làm việc với đoàn thanh tra của Trung ương, anh Mười rất bình tĩnh và nói rõ hết những việc thành phố đang làm. Anh cũng khiêm tốn lắng nghe và đáp ứng mọi yêu cầu của đoàn thanh tra. Đợt thanh tra này kéo dài 98 ngày, cuối cùng đoàn thanh tra kết luận không có tham ô”, ông Quang kể tiếp.
Trong thời gian làm trợ lý cho đồng chí Nguyễn Văn Linh, ông Tô Bửu Giám có rất nhiều kỷ niệm về anh Mười Cúc. “Anh không thích khoe khoang, làm phiền người khác. Có lần chúng tôi đi công tác miền Tây, anh nói với tôi không được báo cho địa phương biết. Để đảm bảo an toàn cho anh, tôi đã gọi điện cho công an địa phương đi bảo vệ. Khi phát hiện ra, anh rầy tôi. Anh nói làm như vậy là gây phiền hà cho địa phương”, ông Giám nhớ lại.
Hòa Triều