Thứ sáu, 11/11/2011, 09h11

Đưa sinh viên đến gần nghệ thuật đương đại

Hiện các trường đại học (ĐH) nước ta chưa có chương trình đào tạo chính thức về nghệ thuật đương đại, tuy nhiên lĩnh vực này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ nhất là học sinh - sinh viên…
Ngày 10-11, Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Nghệ thuật đương đại Việt Nam hướng tới cộng đồng” nhằm tìm hướng phát triển cho lĩnh vực này. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn), nghệ thuật đương đại thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ nhờ cách thức tiếp cận dễ dàng, bản thân người nghệ sĩ cũng không bị chi phối bởi yếu tố lợi nhuận, ai cũng có thể tham gia, chất liệu sáng tác không hạn chế, không bị bó hẹp không gian triển lãm… Ở nước ta, sự xuất hiện ngày càng nhiều địa chỉ điển hình của nghệ thuật đương đại, các cuộc triển lãm, trình diễn, các dự án liên quan, các nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ trẻ đã góp phần mở rộng không gian nghệ thuật, tăng tính phong phú. Tuy nhiên, vấn đề tìm cách để đưa nghệ thuật đương đại đến số đông công chúng đang được rất nhiều đại biểu đặt ra, trong đó có nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư giáo dục nghệ thuật từ hệ thống các trường nghệ thuật đến các trường phổ thông. Hiện nay, việc thiếu kiến thức nền về nghệ thuật đã gây hạn chế rất lớn cho chính học sinh - sinh viên trong khâu tiếp cận. Tiến sĩ lý luận mỹ thuật Huỳnh Bội Trân đặt vấn đề giảng dạy mỹ thuật thông qua chương trình học tự chọn để cung cấp kiến thức cho sinh viên. Cũng theo TS. Trân, việc mở rộng không gian triển lãm tại các trường ĐH Mỹ thuật sẽ giúp thu hút được thêm nhiều công chúng. Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười cũng cho rằng, nên “phổ cập giáo dục về nghệ thuật” thông qua các kênh thông tin, phương tiện truyền thông. Thời gian qua, có những tác giả trẻ đã sáng tác một số tác phẩm khó hiểu nên bị suy diễn về nội dung, thậm chí có tác phẩm mang tính giật gân, gây sốc. Theo ông Mười, người sáng tác loại hình này cần có sự hiểu biết, kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ; cần tranh thủ sự phản biện của giới chuyên môn để tạo nên những tác phẩm độc đáo, chất lượng. Làng ĐH Thủ Đức hiện được nhắm đến như một mảnh đất tiềm năng để mở rộng và phát triển nghệ thuật đương đại trong sinh viên, bởi nơi đây tập trung lượng lớn các bạn trẻ đồng thời có không gian lý tưởng để tổ chức những hoạt động liên quan. Sự bó hẹp không gian tại một số nơi như Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thời gian qua đã gây khó cho hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Liên quan đến chương trình đào tạo lĩnh vực này, nhiều ý kiến tập trung vào việc đổi mới nội dung, giáo trình. Thực tế cho đến nay, các môn nghệ thuật đương đại như video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được chính thức đưa vào giảng dạy lý thuyết lẫn thực hành mà chỉ tồn tại trong trường dưới dạng những buổi thảo luận nghệ thuật ngoại khóa. Do vậy, những cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới thực sự bắt đầu sau khi sinh viên đã… tốt nghiệp đại học dẫn đến kết quả đạt được hết sức mơ hồ, may rủi. Cũng từ nhận định của nhiều đại biểu, hoạt động đào tạo mỹ thuật nước ta đến nay cơ bản vẫn không thay đổi, hàng chục năm qua, khung chương trình, giáo trình các môn cơ sở chuyên ngành… được thiết kế gần như là mặc định.
Mê Tâm