Thứ sáu, 12/3/2010, 08h03

Giáo dục ĐBSCL: Chưa thoát khỏi khó khăn: Kỳ 1: Trường lớp... xập xệ

Phòng học của một trường tiểu học ở H. Gò Quao, Kiên Giang không có vách ngăn.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, đầy tiềm năng phát triển nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do hệ quả của tình trạng giáo dục đào tạo yếu kém trong thời gian dài.
Trường… nhiều “không”
Hầu như mỗi tỉnh, thành ĐBSCL hiện nay đều còn trên dưới 500 phòng học tre lá, xuống cấp, hết niên hạn sử dụng.
Ngay ngày đầu tiên bắt đầu năm học 2009-2010, thư viện tại điểm chính của Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã xảy xa sự cố khi một đòn tay mái nhà gãy đổ. Rất may, tại thời điểm đó không có ai trong thư viện. Đối diện với thư viện là dãy phòng học cũ nát, chân tường mục, phòng học ẩm thấp và tối. Học sinh học phải ngồi học trên những dãy bàn ghế dài 4 chỗ cũ kĩ... Không riêng gì điểm chính, năm học trước, điểm Lục Phi của trường cũng đã đổ sập 2 phòng học trong hè, đầu năm học này chỉ còn 2 phòng học nên học sinh phải dồn lại học lớp ghép. Ông Phạm Thiên Tuế, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gò Quao, cho biết: “Toàn huyện còn 12 phòng học tre lá và khoảng 30% phòng học chưa đạt chuẩn, xuống cấp cần được xây mới. Điều kiện cơ sở vật chất như thế nên việc ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh là điều không tránh khỏi”.
Sau mấy năm phải học nhờ cơ sở của trường tiểu học, năm học 2009-2010, Trường THCS Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đã đưa vào sử dụng cơ sở mới. Niềm vui trường được “ra riêng” không trọn vẹn vì hầu hết giáo viên và phụ huynh đều buồn bởi cơ sở mới chỉ là 5 phòng tre lá: 1 phòng dùng làm văn phòng, phòng ban giám hiệu; 4 phòng còn lại dành cho 8 lớp học 2 buổi với tổng kinh phí cất mới chỉ gần 50 triệu đồng. Trường không có máy vi tính, không có phòng bộ môn, không thư viện… và không có điện. Thầy Đỗ Quốc Thắng, giáo viên dạy môn vật lý, nói: “Trường thuộc dạng 4 không nên khi dạy thực hành, giáo viên phải đi mượn thiết bị của trường bạn”. Tuy nhiên, cái khó là các trường lân cận cũng phải sử dụng thiết bị nên nhiều khi không mượn thì đành dạy chay. Nhiều thiết bị cần sử dụng điện, giáo viên không giảng dạy được cũng đành chịu. Phòng học tre lá, tuềnh toàng, không hàng rào nên ngành có muốn đầu tư trang thiết bị cũng không dám vì sợ mất. Thầy Võ Văn Tốt, Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Mỹ Đông than thở: “Giờ muốn đánh một văn bản, trường cũng phải đi đánh nhờ hoặc ra dịch vụ”. Theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh thì toàn tỉnh còn khoảng 10% phòng học đặc biệt xuống cấp, đó là chưa kể hàng loạt phòng học đã hết niên hạn sử dụng.
Học nhờ, học gửi
Không khác các tỉnh trong khu vực là mấy, TP. Cần Thơ vẫn còn hơn 700 phòng học xuống cấp, 13 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo và 14 xã, phường, thị trấn có trường mầm non, mẫu giáo nhưng không có cơ sở vật chất riêng. Điển hình như Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Học sinh ở điểm chính của trường phải học nhờ trường tiểu học; các điểm lẻ học nhờ nhà dân, nhà thông tin khu vực, thậm chí phải thuê đất cất phòng tạm để làm lớp học. Cô Trần Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, cho biết: “Trường chỉ có tên mà không có cơ sở vật chất. Toàn trường chẳng có phòng học nào đạt yêu cầu của lứa tuổi mầm non”. Không riêng gì Cần Thơ, tất cả các tỉnh, thành ĐBSCL hiện vẫn còn tình trạng học nhờ, học gửi ở bậc học mầm non. Lâu nay, bậc học mầm non chưa được đầu tư chu đáo nên khi số lượng học sinh ra lớp đông, ngành giáo dục các địa phương buộc phải tổ chức lớp ở tất cả các địa điểm mà các trường vận động được, đó có thể là một trái nhà, mái hiên của người dân, nhà thông tin khu vực, nhà thông tin ấp hay những phòng của trường tiểu học còn thừa... Trong khi bậc học mầm non là nền tảng để phát triển ở các bậc học sau, nhưng với điều kiện học hành như thế, liệu các trẻ có được phát triển một cách toàn diện?
Bài, ảnh: Bảo Ngọc