Thứ năm, 17/9/2009, 07h09

Hà Nội: “Rào” các khoản thu đầu năm học?

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra dự thảo hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học. Dù vậy nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn về việc các trường vẫn “lách” để thu các khoản ngoài luồng, vì thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua…

Học sinh Trường TH Quang Trung - TP. Hà Nội trong ngày khai giảng

“Rào” các khoản thu ngoài luồng
Trong dự thảo mới đây nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội về hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học, sở cũng đã đưa ra 5 khoản thu chủ yếu trong các trường học hiện nay: thu theo quy định (học phí): khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, đội); khoản đóng góp tự nguyện; khoản đóng góp của cha mẹ học sinh cho Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS). Ngoài khoản thu bắt buộc, các khoản thu khác trong dự thảo này đều có “rào”.
Đối với khoản đóng góp tự nguyện, dự thảo yêu cầu nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có điều kiện đóng góp hỗ trợ kinh phí cho nhà trường. Khoản thu đóng góp của cha mẹ học sinh cho BĐDCMHS cũng nêu rõ cha mẹ học sinh có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được BĐDCMHS lớp, BĐDCMHS trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện. 
Kinh phí tự nguyện đóng góp để nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của trường phải rõ nội dung, mục đích và tiến độ thực hiện đầu tư, mức kinh phí huy động phải được thống nhất bằng văn bản của BĐDCMHS, hiệu trưởng, UBND phường, phòng giáo dục và đào tạo, UBND quận, huyện (phải đủ 5 chữ ký và 4 con dấu của các tổ chức trên).
Trong khi đó, sử dụng kinh phí của BĐDCMHS phải do Trưởng BĐDCMHS lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được đóng góp… và chỉ sử dụng khi đã được toàn thể các thành viên BĐDCMHS lớp thống nhất ý kiến. BĐDCMHS bầu ra chủ tài khoản, phụ trách ghi sổ kế toán và thủ quỹ. Kinh phí hoạt động của ban phải được gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng do chủ tài khoản đứng tên.
Khó tránh khỏi khoản thu ngoài luồng
Không ai phủ nhận vai trò của BĐDCMHS tại các trường. Nhưng hiện nay, đa số, BĐDCMHS thường “sợ” giáo viên. Trong cuộc họp với BĐDCMHS tại Sở GD-ĐT Hà Nội đã có phụ huynh thật thà đứng lên bày tỏ: nếu giáo viên, nhà trường sai, chúng tôi có được nói không? Lãnh đạo sở đã phải đưa điều lệ về BĐDCMHS ra để vị phụ huynh này hiểu quyền lợi của mình. Điểm tiến bộ ở dự thảo này là với các khoản thu, phải được tất cả các phụ huynh đồng ý, không “chơi trò thiểu số phục tùng đa số tù mù”. Thế nhưng, một người từng làm trong ngành giáo dục lâu năm phân tích: “Cần phải làm rõ hơn hai chữ “tự nguyện”. Nhiều trường lợi dụng chữ “trự nguyện” để bắt buộc phụ huynh học sinh. Đối với học sinh trái tuyến, cũng cần phải bỏ “tự nguyện”, nên “đánh bài ngửa” giữa nhà trường và phụ huynh. Còn đối với các khoản thu để xã hội hóa giáo dục, giá như mỗi lớp học có một hòm công đức để mỗi phụ huynh tùy tâm đóng góp cho trường thì hay biết mấy”.
Với dự thảo này, nhiều người cho rằng, tình trạng “lạm thu” đầu năm học sẽ vẫn tiếp diễn và Hà Nội khó có thể kiểm soát triệt để vấn đề này.
Trong một hội thảo của Bộ GD-ĐT về vấn đề học phí, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga đã từng đề nghị Bộ GD-ĐT cho thí điểm mô hình học phí mới. Theo bà Nga, với học phí thấp như hiện nay, không thể tránh được các khoản thu ngoài học phí tại các trường. Vậy, với dự thảo này, đối với những trường chưa có quỹ của BĐDCMHS, chưa có các khoản “tự nguyện” chắc chắn sẽ cố “nặn” ra “tự nguyện” để huy động đóng góp của người dân. Vô hình trung, dự thảo này lại rơi vào vòng luẩn quẩn giống như dạy thêm - học thêm.
Còn nhớ, đầu năm 2009, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã đưa ra dự thảo quy định dạy thêm, học thêm. Nhưng quy định thì cứ quy định, còn giáo viên vẫn dạy thêm như thường. Không được dạy ở nhà, họ thuê chỗ dạy khác, thậm chí thuê ngay tại trường để dạy. 
Làm thế nào để ngành giáo dục không có những câu chuyện buồn về “thu chi”? Làm thế nào để chủ trương xã hội hóa giáo dục là tự vận động, không phải là “tự nguyện ép buộc” như hiện nay?
Nghiêm Huê