Thứ hai, 2/3/2009, 14h03

Nhà ở cho giáo viên - bao giờ?

Vừa rồi Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng Hiệp hội Bất động sản tổ chức hội thảo về chương trình phát triển nhà ở và các giải pháp thực thi để vực dậy thị trường nhà đất vốn đã bị “đóng băng” hơn một năm nay. Nhiều giải pháp “kích cầu” để thị trường nhà đất phát triển lành mạnh đã được các đại biểu nêu ra, trong đó có giải pháp do Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị là tạo quỹ nhà cho công nhân mua hoặc thuê với giá rẻ, giá ưu đãi. Đó là đề nghị rất tốt nhằm giải quyết nhà ở cho những người có thu nhập thấp như công nhân.
Là người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, chúng tôi biết nhiều thầy cô giáo cả đời mong muốn có một căn nhà (hoặc căn hộ) riêng nhưng không thể thực hiện được. Nay nhân dịp ngành xây dựng tổ chức hội thảo tìm kiếm giải pháp kích hoạt thị trường nhà đất, rất mong các Bộ, Ngành và Bộ Giáo dục Đào tạo nghiên cứu chương trình nhà ở cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tại sao phải ưu tiên cho đối tượng này?
Trước hết, đội ngũ cán bộ giáo viên ngành giáo dục là nguồn nhân lực đào tạo ra nhân lực cho các ngành khác, họ cần được ưu tiên mua nhà trả góp với chính sách ưu đãi, tương xứng với vị trí “quốc sách hàng đầu” của ngành.
Thứ hai, hầu hết cán bộ giáo viên đều nghèo, chỉ dựa vào lương, là đối tượng phục vụ của “Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp” do nhà nước đề xướng và hỗ trợ. Hiện cả nước có hơn một triệu thầy cô giáo, khoảng phân nửa số đó chưa có nhà ở riêng, trong đó có gần trăm ngàn người đang rất bức xúc về chỗ ở. Với đồng lương, cả đời hầu như không thầy cô giáo nào có thể mua được nhà hoặc căn hộ, theo giá nhà kinh doanh hiện nay.
Thứ ba, đội ngũ thầy cô giáo là lực lượng lao động ổn định nhất, lương bổng được nhà nước chi trả đúng hạn; lại được ngành và trường quản lý chặt chẽ. Đó là những yếu tố đảm bảo cho việc thu hồi nợ của ngân hàng. Thu nhập của họ lại ngày càng cao theo thâm niên nghề nghiệp, đảm bảo không xảy ra tình trạng nợ xấu.
Cuối cùng, nếu được mua nhà trả góp, an cư lạc nghiệp, chắc chắn đội ngũ nhà giáo sẽ không bỏ việc nhiều như thời gian trước đây. Hiện, mỗi năm cả nước có đến hàng chục ngàn thầy cô bỏ việc, chuyển nghề. Riêng thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm cần phải bổ sung ba, bốn ngàn giáo viên. Sự lãng phí trong quá trình : đào tạo sư phạm – dạy vài năm- bỏ nghề- tuyển dụng mới, từ trước đến nay nếu tính ra con số cụ thể chắc không khỏi gây “sốc” dư luận trong và ngoài ngành.
Thiển nghĩ, Bộ Giáo dục Đào tạo và Công đoàn ngành cần mạnh dạn đề xuất Chính phủ Chương trình nhà ở cho thầy cô giáo như là chương trình trọng điểm trong Chiến lược giáo dục giai đoạn mới từ 2010 đến 2020. Đó sẽ là một chương trình vừa có ý nghĩa xã hội lớn, vừa có tác dụng thực tế thu hút người tài đến và ở lâu dài với giáo dục - ngành mũi nhọn khi đất nước đi vào kỷ nguyên kinh tế tri thức.
Nghiêm Ý