Thứ sáu, 13/3/2009, 08h03

Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và du lịch Sài Gòn: “Áp giải” SV ra khỏi trường vì trễ hạn học phí?

Sinh viên Trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn giờ tan trường

Vì không đóng học phí đúng hạn, nhiều SV lớp K022QK5 (Khoa Quản trị - nhà hàng - khách sạn) đã “được” bảo vệ “áp giải” ra khỏi trường sau khi ký vào biên bản thông báo của trường. SV bức xúc cho rằng việc làm này thiếu tính sư phạm…
Thiệt cho SV?
Trong đơn gửi Báo Giáo Dục TP.HCM, SV phản ánh, ngày 10–3, SV lớp K022QK5 đang trong giờ học Anh văn thì giáo viên của trường cùng 3 bảo vệ vào lập biên bản lấy chữ ký của một số SV chưa đóng học phí (vì đã hết hạn đóng học phí theo quy định của trường) rồi bảo vệ “hộ tống” những SV này ra khỏi lớp. Theo ý kiến SV: “Việc đóng học phí trễ, một phần lỗi thuộc về chúng em. Với lý do đó, thầy cô có thể đuổi học SV cho đến khi chúng em đóng tiền. Nhưng việc làm vừa qua của trường thật không đúng với giáo dục…”.
Theo SV, môn học “Tổng quan du lịch” đã kết thúc từ học kỳ 1 của năm nhất, nhưng đến tận học kỳ 4 này, trường lại yêu cầu SV làm lại bài kiểm tra với lý do đã làm… mất bài kiểm tra của SV. SV cho biết họ đã tiến hành làm lại bài kiểm tra môn này ngày 11-3.
Không ít SV lớp K022 QK5 bức xúc: “Chúng em đã bước vào giữa học kỳ 4 mà trường lại bắt chúng em làm lại bài kiểm tra môn Tổng quan du lịch (môn này chúng em đã học và kết thúc từ học kỳ 1 năm nhất) với lý do… mất bài kiểm tra. Nếu mất bài kiểm tra sao thầy cô không cho chúng em làm lại từ cuối học kỳ 1 hoặc đầu học kỳ 2 mà để đến tận bây giờ?”. Các SV lớp này cho biết, vì đã học môn này lâu quá, hiện các em không thể nhớ hết những nội dung đã học. Hình thức thi dưới dạng đề mở nhưng nhiều em không còn giữ tài liệu môn đó nên khó mà có thể làm bài tốt được.
Liên quan đến việc vào nhầm điểm cho SV, SV Trần Thị Thanh Tâm (lớp K022QK5) cho biết, trong lớp có một SV khác tên Trần Lê Thanh Tâm nhưng SV này hiện đã nghỉ học. Thời gian qua, trường nhiều lần vào nhầm điểm kiểm tra lẫn điểm thi của SV Trần Thị Thanh Tâm này vào cột điểm của SV Trần Lê Thanh Tâm khiến em SV này không ít lần bị nằm trong danh sách thi lại vì thiếu điểm. Trần Thị Thanh Tâm tâm sự rằng, việc này gây bất lợi cho em. Nhiều lần em thông báo việc này với khoa nhưng cho đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết?
“Tắc” quy trình?
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM ngày 12-3, TS. Đỗ Thanh Thủy (Trưởng phòng Đào tạo) giải thích: “Đối với mỗi môn học, giảng viên tự cho đề thi và giữ bài kiểm tra của SV và chỉ nộp về Phòng Đào tạo bảng điểm. Vào thời điểm đó, thầy Nguyễn Đức Nghĩa (giáo viên thỉnh giảng phụ trách giảng dạy môn này) chỉ nộp hai bảng điểm mà thiếu hẳn cột kiểm tra giữa kỳ. Vì thiếu cột điểm này, Phòng Đào tạo không thể tổng kết điểm cho SV nên đã tiến hành cho SV làm “thêm” bài kiểm tra vào ngày 11-3". Nhà trường cũng cho biết thêm, việc thiếu cột điểm kiểm tra giữa kỳ là thiếu sót từ phía giáo viên phụ trách bộ môn là thầy Nguyễn Đức Nghĩa vì trong quá trình dạy thầy không hề cho SV làm bài kiểm tra này.
Riêng chuyện SV trễ hạn học phí, nhà trường cũng giải thích rằng, theo đúng nội quy SV có nghĩa vụ đóng học phí trước thời điểm bắt đầu học kỳ 30 ngày. Nhà trường cũng đồng thời thông báo thông tin về học phí để gia đình SV biết. Thời gian qua, đã có một số trường hợp SV trễ hạn học phí nhưng lại có phản ứng gay gắt khi nhà trường tiến hành lập biên bản tạm cho thôi học. Do đó, năm nay trường bổ sung thêm lực lượng bảo vệ vào đoàn kiểm tra để đề phòng phản ứng của SV. Phía SV có lẽ vẫn không thỏa mãn với cách giải thích này.
Còn vấn đề vào nhầm điểm của SV Trần Thị Thanh Tâm, cô Thủy nhận định: “Sự việc kéo dài đến tận thời điểm này có thể do bị “tắc” quy trình giữa khoa với Phòng Đào tạo. Bởi theo đúng quy trình, lẽ ra em Tâm nên đến văn phòng khoa đề nghị được giải quyết. Khi có xác nhận của văn phòng khoa về điểm, Phòng Đào tạo sẽ giải quyết chỉnh sửa điểm cho em. Vì chỉ có Phòng Đào tạo mới có chức năng chỉnh sửa điểm. Nếu khoa vẫn chưa giúp SV giải quyết được nguyện vọng, SV nên trực tiếp báo lên Phòng Đào tạo. Tuy nhiên đến tận thời điểm này, Phòng Đào tạo vẫn hoàn toàn bất ngờ trước sự việc. SV Tâm nhiều lần làm việc với khoa và dù chưa thỏa nguyện nhưng lại không liên hệ làm việc với Phòng Đào tạo để được giải quyết”.
Qua sự việc, nhà trường nhận xét rằng SV mới chỉ đi theo một chiều. Nhà trường xem việc trường đã tổ chức đến 8 buổi làm việc với SV để thăm dò, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em nhưng SV lại không trao đổi với trường về các vấn đề trên là một điều bất thường. Nhưng việc SV phải chịu nhiều bất lợi và phiền hà do bị vào nhầm điểm suốt một thời gian dài, trong khi họ đã nhiều lần “kêu cứu” khoa mà khoa chưa giải quyết thỏa đáng, Phòng Đào tạo cũng không hề hay biết thì cũng là điều đáng phải suy ngẫm…
MÊ TÂM