Thứ sáu, 26/3/2010, 08h03

Trường học đồng hành cùng hàng Việt: Kỳ 1: Hàng Việt chưa khẳng định được chỗ đứng

Các bé mầm non với đồ chơi Việt (màu nước và đồ gốm)

Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ em. Có những đồ chơi chất lượng tốt nhưng bên cạnh đó là các mặt hàng gây nguy hiểm cho người dùng. Những loại đồ chơi nguy hiểm này không chỉ có mặt tại các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em mà còn xuất hiện ngay ở các quầy căn-tin trong trường học…
Bị hàng trôi nổi lấn át
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao với những đồ chơi nhập từ Trung Quốc hay những đồ chơi cho trẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bàn về vấn đề này, ông Lê Đức Kế (Phó giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Trang thiết bị trường học TP.HCM) cho rằng: “Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng (NTD). Đặc biệt là sự xuất hiện một số loại đồ chơi giá rẻ dành cho HS được nhập từ nước ngoài về mang tính bạo lực, không có tính sư phạm. Hơn thế nữa là mức độ an toàn thấp do sản xuất kém chất lượng. Chính vì vậy, NTD cần phải lưu ý, đặc biệt là đối với trẻ em”.
Trẻ học mẫu giáo rất thích các đồ chơi mẫu mã đẹp nên thường vòi vĩnh bố mẹ mua cho bằng được. Chị Thu Thủy, mẹ của bé Nhật Minh kể: “Nhiều khi đi ngoài đường, thấy mấy người bán hàng trên phố bày bán những đồ chơi trông rất hấp dẫn. Cu cậu bằng mọi giá bắt bố mẹ mua cho bằng được. Ban đầu không biết, nghĩ là chẳng có hại gì cho bé nên mình chiều theo ý con nhưng hiện giờ báo đài cũng đã nói nhiều đến tác hại của những sản phẩm này, mình cũng thận trọng hơn chọn đồ chơi cho con. Nói chung vẫn ưu tiên cho hàng của Việt Nam sản xuất vì giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo và nó cũng có tính sư phạm cao”.
Dạo qua các địa điểm mua sắm đồ chơi dành cho trẻ em có thể thấy hàng hóa được bày bán rất phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng. Bên cạnh những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chặt chẽ thì vẫn tồn tại một số sản phầm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, phần lớn là sản phẩm từ Trung Quốc. Việc thiếu các quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập ngoại một cách chặt chẽ là một trong những kẽ hở khiến hàng nhập ngoại chất lượng thấp có cơ hội được bán rộng rãi, cạnh tranh khốc liệt với hàng nội.
Nhà trường không quay lưng với hàng Việt nếu…
Phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chỉ thực sự có hiệu quả khi doanh nghiệp bắt tay vào cuộc. Vì vậy để đây không chỉ là phong trào mà trở thành hiện thực thu hút sức mua của người Việt, các nhà sản xuất trong nước cần cố gắng hơn trong việc cải tiến chất lượng và mẫu mã. Đồng thời, NTD cũng nên nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11 cho rằng: “Hiện nay NTD rất ủng hộ hàng Việt, đặc biệt là các trang thiết bị trong trường học. Tuy nhiên, để người dùng luôn luôn tin tưởng, ủng hộ hàng Việt thì các nhà sản xuất trong nước cần cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm”.
Trang thiết bị của trường học khá đa dạng về mặt hàng, bên cạnh những đồ dùng học tập thông thường thì còn có rất nhiều sản phẩm mang tính hệ thống, đặc biệt là các linh kiện điện tử. Các sản phẩm này khá đắt, vì vậy độ bền và các linh kiện thay thế là rất cần thiết cho những sản phẩm này. Mặc dù giá cả đắt hơn hàng Việt nhưng hầu hết các trường đều nhập sản phẩm này từ nước ngoài. Ông Lê Đức Kế cho rằng: “Các đơn vị sản xuất trong nước cần quan tâm hơn đến việc nâng cao độ bền của sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu để sáng tạo ra các linh kiện điện thay thế giúp nhà trường tiết kiệm hơn vì khi máy móc hỏng không cần thay thế toàn bộ mà chỉ thay thế các linh kiện bị hư hỏng”.
Với dự kiến đưa các sản phẩm may mặc đến từng trường học, ông Phạm Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến cho biết: “Chúng tôi sẽ dần tiếp cận với nhà trường để cung cấp sản phẩm đồng phục cho HS, giáo viên... Để đánh bật các đối thủ khác, đặc biệt là đồ hiệu của nước ngoài thì vấn đề mẫu mã, chất lượng và giá thành sản phẩm phù hợp với HS là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm”.
Q. HUY – M. BÌNH