Thứ năm, 25/9/2014, 23h09

Về nguồn để được trau dồi bản lĩnh tốt hơn

Đoàn dâng hương tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Từ ngày 25 đến 28-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức chuyến Hành trình “Về thăm huyện đảo Lý Sơn và các địa danh lịch sử cách mạng” cho 70 cán bộ, phóng viên (PV) và biên tập viên (BTV) các cơ quan báo đoạt giải Báo chí thành phố lần thứ 32 - năm 2014.
Đúng 10 giờ sáng 25-9, có mặt tại thành phố Quảng Ngãi, đoàn về thăm và dâng hương cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Khu lưu niệm (làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) trong niềm thành kính và biết ơn sâu sắc tới công lao to lớn mà cố Thủ tướng đã dành cả cuộc đời của mình hiến dâng cho dân, cho nước. Khu lưu niệm được xây dựng ngay trên phần đất là ngôi nhà do ông bà (Phạm Văn Nga - Phạm Thị Thuần) song thân của Thủ tướng xây dựng và sinh sống. Về sau, vợ chồng người con trưởng là ông Phạm Văn Phúng sửa sang, củng cố thêm. Chính nơi đây, cố Thủ tướng đã được sinh ra và sống những ngày thơ ấu cùng các thành viên trong gia đình. Năm 1972, vì mưa nắng và chiến tranh, ngôi nhà bị hư hại nặng. Sau nhiều lần trùng tu, đến năm 2008, Khu lưu niệm hoàn thành các hạng mục khang trang trên diện tích 2ha, gồm nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm... Đến đây, người xem bồi hồi nhìn ngắm những hình ảnh, hiện vật từng gắn bó với một con người mẫn tuệ về tư tưởng, cao cả về nhân cách nhưng bình dị, gần gũi trong lối sống và ứng xử thường ngày. Một trong những khu vực trưng bày thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách là phòng giới thiệu hình ảnh thể hiện tình cảm của Thủ tướng với quê hương và quê hương với Thủ tướng. Cô thuyết minh viên xúc động: Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 năm làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động. Tình cảm luôn chan hòa với nhân dân, nhạy cảm, thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào. Nhờ vậy, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn trong việc hoạch định, làm thấu suốt và chỉ đạo thực hiện đường lối của cách mạng Việt Nam. Đồng chí còn là người học trò xuất sắc, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, BTV, PV chụp hình lưu niệm 

Rời Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đoàn tiếp tục hành trình về dâng hoa tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại khu Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nằm ngay bên quốc lộ 1A. Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam và được phân công phụ trách Bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhỏ, chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh trong chiến trường. Tháng 6-1967, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng. Tháng 2-2006, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Xúc động khi được gặp và “cảm nhận” được chị Trâm như còn đang hiện hữu qua lời kể của cô Tạ Thị Linh - người đồng đội xưa của chị Trâm. Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “Nhằm tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, tình cảm cách mạng, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng trong đội ngũ PV, BTV các cơ quan báo chí thành phố. Đồng thời, động viên, khen thưởng các PV, BTV đoạt giải Báo chí thành phố lần thứ 32, năm 2014, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chuyến Hành trình “Về thăm huyện đảo Lý Sơn và các địa danh lịch sử cách mạng” cho 70 cán bộ, PV, BTV các báo từ ngày 24 đến 28-9. Với gần 50 PV có mặt là những người đoạt từ giải ba trở lên với những chuyến thực tế như vậy, nhất là được gặp lại những nhân chứng… sẽ giúp cho PV có được những cảm nhận sâu sắc nhất, giúp PV có những bài viết tốt - đúng và sát thực tế. Đặc biệt, giúp PV các cơ quan báo đài có thêm hình ảnh thiết thực của các thế hệ tiền bối, những nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc được trui rèn để ngòi bút của mình ngày càng sắc hơn”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy