Thứ năm, 2/11/2017, 20h48

Nghịch lý thiếu - thừa lao động nông nghiệp

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, dự kiến đào tạo 52.700 lao động, trong đó số lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo từng năm như sau: 2016 là 9.900 người; năm 2017: 10.200 người; năm 2018: 10.500 người; năm 2019: 10.800 người và năm 2020 là 11.300 người.

Các địa phương đặc thù đất nông nghiệp như Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… được TP quy hoạch thành vùng nông nghiệp trọng điểm, trong đó có vùng nông nghiệp công nghệ cao. Thêm nữa, TP.HCM là một trong những địa phương chủ động phối hợp với các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… mở rộng liên kết phát triển nông nghiệp, đòi hỏi lực lượng lao động có chuyên môn rất nhiều. Nhu cầu lao động là vậy, các cơ sở giáo dục cũng đua nhau đào tạo, nhưng thực tế lại khác, các doanh nghiệp than phiền không thể kiếm đâu ra lao động có tay nghề.

Bà Lưu Ly (Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM) cho rằng TP có quá nhiều cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp nhưng chất lượng còn nhiều bàn cãi. Ngoài hệ thống trường ĐH-CĐ-TC thì các trung tâm dạy nghề cũng mở các khóa, lớp ngắn hạn; đơn cử như huyện Củ Chi, nông dân phải học quá nhiều về nghề nuôi bò sữa đến… phát ngán. Đó là chưa kể các lớp do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… địa phương liên kết tổ chức. Bà Ly cho biết thêm, một phần do việc tuyên truyền cũng như hiểu biết xã hội về nghề nông nghiệp của người dân còn hạn chế nên không mấy ai “mặn mà”.

Tình trạng mạnh ai nấy mở lớp, chú trọng số lượng mà bỏ quên chất lượng khiến “chiếc bánh” dạy nghề nông nghiệp đã nhỏ lại chia quá nhiều phần khiến một số cơ sở đào tạo chính quy lao đao. Như Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM có thế mạnh đào tạo các nghề phục vụ chăn nuôi, trồng trọt nhưng từ đầu năm 2017 đến nay chỉ nhận được… 100 hồ sơ. Trong khi đó nguồn lao động được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao thì không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết thực tế có một số đơn vị đầu tư dàn trải cho các nghề không có nhu cầu nhân lực tại địa phương. Thậm chí có một số máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chăn nuôi bò sữa được mua sắm như máy siêu âm, kính hiển vi, máy phân tích chất lượng sữa, gieo tinh… nhưng đơn vị chưa ai biết sử dụng.

Với vùng liên kết nông nghiệp phát triển bền vững như TP.HCM đã và đang xây dựng thì rất cần một đội ngũ lao động có chuyên môn cao, tuy nhiên với chất lượng đào tạo nghề như hiện nay, nghịch lý thiếu - thừa lao động nông nghiệp vẫn chưa thể giải quyết, và số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 xem như muối bỏ biển.

T.Anh