Chủ nhật, 1/11/2015, 10h18

Nguy cơ cúm gia cầm lây sang người

Lực lượng chức năng TP.HCM bắt giữ và tiêu hủy số lượng lớn gia cầm không qua kiểm duyệt. Ảnh: I.T

TP.HCM tiêu hủy trên 1.000 gia cầm không rõ nguồn gốc

Tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trung Quốc vừa thông báo có thêm 2 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H7N9) tại thành phố Huzhou và Jinhua thuộc tỉnh Chiết Giang. Cả 2 bệnh nhân đều tiếp xúc với gia cầm và chợ gia cầm sống.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), kể từ tháng 6-2015, virus cúm A(H7N9) tiếp tục được phát hiện trên gia cầm tại nhiều tỉnh ở Trung Quốc. Nếu vẫn theo mô hình lây nhiễm như các năm trước đây, số trường hợp nhiễm cúm trên người sẽ gia tăng trong những tháng tới. Từ tháng 3-2013 đến nay, thế giới ghi nhận 573 trường hợp dương tính với cúm A(H7N9) ở người (Trung Quốc có 554 người), trong đó có 212 người tử vong.

Tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H7N9). Tuy nhiên do có đường biên giới dài với Trung Quốc, giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn nên nguy cơ dịch xâm nhập là cao. Theo đó, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh ở gia cầm và trên người nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập, kịp thời ngăn chặn, tránh lây lan.

Riêng với cúm gia cầm, cả nước hiện có 5 ổ dịch tại 4 tỉnh: Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Tất cả các ổ dịch này đều chưa qua 21 ngày. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, các ổ dịch cúm gia cầm vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một số hộ gia đình chưa được tiêm phòng vaccine. Các ổ dịch này cũng đã được chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan. Tuy nhiên, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ ở các tỉnh phía Nam, thời tiết chuyển mùa ở các tỉnh phía Bắc nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao. Trước tình hình này, vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ở gia cầm gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo đó, yêu cầu các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virus H7N9; tăng cường giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm...

Tại TP.HCM, trong tuần qua các trạm thú y quận, huyện đã phối hợp liên ngành kiểm tra và phát hiện hơn 300 trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo đó đã thu giữ và tiêu hủy 1.076 con gia cầm, trên 210kg thịt gia cầm, cả ngàn quả trứng…

Kim Anh