Thứ bảy, 17/3/2018, 23h22

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã về với đất mẹ thành đồng

Lễ viếng tại gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức ngày 17-3 ở quê nhà huyện Củ Chi, TP HCM

Ngày 17-3-2018, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ra đi mãi mãi ở cái tuổi 85, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào và người thân gia đình.

Trong 9 năm đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân. Dấu ấn đầu tiên ai cũng thừa nhận là mặc dù ông nhận nhiệm vụ Thủ tướng trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á trầm trọng nhưng với vai trò đứng đầu Chính phủ, ông đã lèo lái dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng một cách vững vàng, ổn định tăng trưởng và đời sống nhân dân nâng cao, an sinh xã hội và an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định. Dấu ấn thứ hai là chuyến thăm lịch sử vào năm 2005 đến Hoa Kỳ của ông với tư cách là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975. Dấu ấn thứ ba là Luật Doanh nghiệp ra đời dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã “cởi trói” cho doanh nghiệp, gỡ bỏ dần cơ chế xin cho. Dấu ấn thứ tư, ông là Thủ tướng đầu tiên đăng đàn trả lời trực tiếp trước Quốc hội, mở đường cho các đời Thủ tướng sau thực hiện việc này, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước muốn nghe người đứng đầu Chính phủ trả lời chất vấn ở mỗi kỳ họp Quốc hội trước những vấn đề nóng của quốc gia. Việc ông xin từ nhiệm sớm một năm so với nhiệm kỳ thứ hai để dọn đường, nhường chỗ cho người trẻ kế vị vào năm 2006 đã để lại nhiều cảm xúc và sự nể trọng của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước. Có lẽ, dấu ấn bao trùm lên mọi thứ khác đó là trách nhiệm trước Đảng, trước dân; là sự gần gũi, chân tình, gắn bó ân tình với nhân dân, mà ở đó, sự gắn bó với nhân dân Củ Chi quê nhà vô cùng sâu đậm…

Theo chinhphu.vn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 17-3-2018 tại TP.HCM.

Đồng chí Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933; quê quán huyện Củ Chi, TP.HCM.

Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới - phát triển đất nước, Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế. Trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng. 

Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh dấu bằng việc ban hành Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép gây khó khăn cho doanh nghiệp; trải qua nhiều vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO... 
Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2014) để ghi nhận những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng.

*Ông Phan Văn Khải tham gia phong trào cách mạng từ năm 1947 và vào Đảng năm 26 tuổi.

Từ năm 1947-1954, ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Năm 1954-1960, ông tập kết ra Bắc, làm công tác nông thôn. Sau tập kết, ông học tại Trường ĐH Kinh tế Moskva (Liên Xô trước đây) từ 1960-1965. Trở về nước, ông làm cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng tại Vụ Tổng hợp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến năm 1971. Từ năm 1972 đến năm 1975, ông là cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, đi chiến trường B2, rồi làm Vụ phó Ủy ban Thống nhất Chính phủ.

Từ năm 1976-1978, ông trở về TP.HCM, trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP. Từ năm 1979 đến tháng 6-1985, ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND TP, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM. Từ tháng 7-1985 đến tháng 8-1989, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Sau đó ông ra Trung ương đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từ 3-1989 đến tháng 8-1991. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 8, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 3-1982, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1984, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 7, 8.

Đến tháng 9-1992, ông được bầu làm Phó Thủ tướng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 10 (tháng 9-1997), ông được bầu làm Thủ tướng. Ngày 25-7-2002, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 11, ông được bầu lại làm Thủ tướng. Đến tháng 6-2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm.

T.Ban

Nhân dân Củ Chi nói riêng và nhân dân cả nước nói chung gọi ông một cách thân mật là bác Sáu (theo thứ của vợ ông) hay bác Hai (theo thứ của ông) Thủ tướng! Ông quan tâm toàn diện mọi vấn đề liên quan cả đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh… của người dân. Từ đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ các thời kỳ kháng chiến đến đình miếu thờ tự của xóm làng. Từ điện khí hóa nông thôn đến đường giao thông nông thôn trải dài ra tận ruộng. Từ bệnh viện trạm xá đến trường học. Từ khu công nghiệp đến các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các làng nghề truyền thống tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động… Ở đâu cũng có dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Khi về hưu, ông ít bàn đến chính sự mà dồn hết tâm huyết để làm công tác khuyến học khuyến tài và những việc làm có ích cho đời. Ngay sau khi thôi làm Thủ tướng, ông về quê đảm nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Thông Hội và gầy dựng phong trào khuyến học ở xã nông thôn mới kiểu mẫu này. Năm 2008 Hội Khuyến học TP.HCM mời ông làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học TP.HCM. Bác Sáu vui vẻ nhận lời và nói “Tôi rất vinh dự khi được mời tham gia chức vụ Chủ tịch Danh dự Hội Khuyến học thành phố. Tôi sẽ tích cực nhiệm vụ của mình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước”… Cũng tại ngày hội khuyến học thành phố năm ấy, bác Sáu phát biểu với SV nhận học bổng khuyến tài rằng: “Các cháu HSSV quý mến! Để thu được 500 USD? Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bán 5 tấn than đá; nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long bán 2 tấn gạo; Trung Quốc bán chiếc xe gắn máy trọng lượng 100kg; Hãng Sony bán chiếc ti vi trọng lượng 10kg; Hãng Nokia bán chiếc điện thoại 0,1kg; Hãng Intel bán con chíp máy tính trọng lượng 0,01kg; Hãng Microsoft bán một phần mềm trọng lượng 0kg… Từ sự so sánh đó để mỗi chúng ta phải quý trọng hơn lao động của các cô, các chú công nhân đang cần cù khai thác than cho Tổ quốc; phải yêu thương hơn các bác nông dân “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo cho mọi người. Cũng từ sự so sánh đó để các em thấy được tầm quan trọng của việc học tập. Với học bổng các em nhận được hôm nay, mong rằng các em sẽ luôn cố gắng học tập để thể hiện lòng biết ơn đối với các nhà bảo trợ, để không phụ công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô. Cơ hội học tập sẽ giúp các em trở thành người có khả năng nghề nghiệp thật sự, góp phần xây dựng đất nước chúng ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”. Hơn một ngàn SV nghèo hiếu học vượt khó có mặt trong buổi lễ vô cùng thấm thía trước lời phát biểu ngắn gọn, chân tình mà sâu sắc của bác Sáu! Chính vì vậy mà các em kiên trì vượt khó, miệt mài học tập để nắm lấy tri thức khoa học và mở ra cơ hội nghề nghiệp vững chắc. Giờ đây, hàng trăm bạn trẻ nhận học bổng của mười năm trước đã thành đạt, có việc làm ổn định và biết sống đẹp cho đời, nhiều bạn quay lại hỗ trợ công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập.

Treo cờ rủ hai ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, Linh cữu được quàn tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Đây là nội dung quan trọng trong Thông cáo Đặc biệt vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát ra. Theo đó, Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, bắt đầu từ 8 giờ, ngày 20-3 đến hết ngày 21-3. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút, ngày 22-3 tại Hội trường Thống Nhất và Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Các Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại TP.HCM và tại Hà Nội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp. Trong hai ngày Quốc tang, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Danh sách Ban Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có 33 người, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Danh sách Ban Tổ chức lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gồm 18 người cùng đại diện gia đình, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Theo thông cáo, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần hồi 1 giờ 30 phút, ngày 17-3 (tức ngày 1 tháng 2 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Hôm qua, đến nhà riêng của bác (ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) chuẩn bị lễ nhập quan, chúng tôi thấy rất đông lãnh đạo các cấp và nhân dân đến chia buồn. Nhiều cụ già râu tóc bạc phơ nghẹn ngào xúc động khi kể về ngài Thủ tướng bình dân bình dị, cả đời gắn bó máu thịt với nhân dân. Vài ngày nữa lễ truy điệu và sau đó an táng ông tại quê hương đất thép thành đồng. Ông đã trở về với đất mẹ Củ Chi đúng tâm nguyện của ông. Ông sẽ sống mãi trong lòng nhân dân, nhất là nhân dân Củ Chi ruột thịt!

Nguyễn Văn Cải
(Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung,
Củ Chi, TP.HCM)