Thứ ba, 23/8/2016, 20h46

Nhiệm vụ của ngành ngoại giao: Góp phần phát triển đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Từ ngày 22 đến ngày 26-8, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh tại hội nghị. Ảnh: VGP

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước.

“Trên cơ sở đó, phải có những biện pháp hữu hiệu nâng cao hơn nữa hiệu quả của các quan hệ, các cơ chế, các khuôn khổ quan hệ với các nước quan trọng trên thế giới, đồng thời mở rộng, tăng cường thêm khuôn khổ quan hệ mới với các nước khác trên cơ sở lợi ích quốc gia. Thời gian tới, việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội để nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn FDI và ODA. Do đó, ngoại giao sẽ phải thay đổi tư duy để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc tranh thủ cơ hội, thuận lợi từ hội nhập quốc tế nói chung cũng như các hiệp định thương mại tự do” - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị (sáng 22-8), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo: Ngoại giao cần đặt ưu tiên cao và trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan đại diện bên ngoài, các đơn vị chức năng thuộc bộ; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, công tác thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới, giúp cho lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và kinh tế phát triển chung. Với mạng lưới hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, ngoại giao có trách nhiệm nặng nề là đưa các hiệp định đã ký kết đi vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế tối đa những tác động bất ngờ của những thách thức có thể nảy sinh. Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, ngoại giao còn phải gánh vác nhiệm vụ to lớn, hết sức phức tạp là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới, đòi hỏi phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phải giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó có thương lượng song phương trên các vấn đề liên quan đến hai nước và đa phương đối với những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.

T.L/VGP