Thứ ba, 20/6/2017, 21h11

Nhiều khiếu nại phức tạp liên quan tới đất đai

Ngày 19-6, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị “Giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) phức tạp, kéo dài với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chủ trì.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp dân giải quyết khiếu nại

Theo báo cáo, từ năm 2014 đến quý 1-2017, cả nước nhận được 646.463 đơn thư KN, TC. Trong đó 20 tỉnh thành phía Nam tiếp nhận 173.392 đơn (có 128.373 đơn đủ điều kiện xử lý). Về KN có 82.066 đơn, chủ yếu KN tranh chấp đất, đòi lại đất, chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư (chiếm 75%), KN về nhà, tài sản (chiếm 8,3%). Về TC có 8.695 đơn, chủ yếu về lĩnh vực hành chính (chiếm 89%), về tham nhũng (chiếm 2,3%)...

Theo ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục Giải quyết KN-TC và thanh tra khu vực 3 (Cục III), 70% các vụ KN, TC đông người, phức tạp liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất - tập trung nhiều ở Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Khoảng 20% KN liên quan đến đòi lại đất Nhà nước đã quản lý bố trí các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác sử dụng (điển hình như Bến Tre, Bình Phước, Long An, Kiên Giang…). Nguyên nhân là do chính sách pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất. Một số vụ việc do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc KN nhiều năm; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn có nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, tái định cư. Có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không xây dựng mà để hoang; công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC còn có những hạn chế nhất định. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm, thời hạn giải quyết kéo dài, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục…

“Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người KN còn hạn chế nên tỉ lệ KN, TC sai còn khá nhiều, chưa có xu hướng giảm. Có những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý có tình, đã kiểm tra rà soát, trả lời, có văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết KN nhưng công dân vẫn tiếp tục KN kéo dài…”, ông Đồng cho biết thêm.

Riêng tại TP.HCM, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Có một số ít cán bộ qua loa, đại khái, cẩu thả, không đúng nguyên tắc, lưu trữ hồ sơ không tốt dẫn đến xử lý việc thất bại. Vì vậy, TP đã quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh và đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đặc biệt lưu ý đội ngũ cán bộ. Theo đó phải đảm bảo cán bộ lĩnh vực này có ý thức trách nhiệm, am hiểu pháp luật...

Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu lưu ý, chính việc cán bộ “ngại đụng chạm” đối với người tiền nhiệm, phải nhờ đến sự chỉ đạo, kết luận của Thanh tra Chính phủ để làm. Do đó, các tỉnh, thành cần có ban chỉ đạo đủ tầm mà người đứng đầu là cán bộ chủ chốt của địa phương mới xử lý, giải quyết được.

Lê Quang Huy