Thứ bảy, 6/8/2011, 08h08

Nhiều ngành học trong cảnh “vãn chợ chiều”

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 21,264 triệu lao động nông nghiệp hiện nay, có đến 20,765 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87% và bằng CĐ-ĐH chiếm 0,22%... Tuy nhiên, sự thiếu hụt này sẽ khó có thể bù đắp trong thời gian tới khi chính sinh viên (SV) không mấy mặn mà với các ngành nghề phục vụ cho nông nghiệp nông thôn.
Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo nhóm ngành nông, lâm nghiệp lại càng tỏ ra… “bất lực” khi những năm gần đây, các trường đào tạo ngành nông nghiệp điểm thi lại rất thấp và thường không tuyển đủ chỉ tiêu dù SV những ngành này sau khi ra trường đều rất dễ xin việc.
Điểm thi thấp
Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, lượng thí sinh (TS) đạt từ 13 điểm khá nhiều, lên đến 7.342 (TS) (chưa tính điểm ưu tiên). Tuy nhiên, ở khối A - khối tuyển chính của nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật chỉ có 889/15.249 TS dự thi đạt được mức điểm này trở lên. Nếu lấy điểm trúng tuyển NV1 bằng điểm khối A năm 2010 (13 điểm), số TS trúng tuyển ở từng ngành chỉ bằng 1/4 so với tổng chỉ tiêu (mỗi ngành 60 chỉ tiêu - PV) và thậm chí có ngành có rất ít TS trúng tuyển. Chẳng hạn, ngành cơ khí chế biến bảo quản nông sản chỉ có 4 TS trúng tuyển, ngành cơ khí nông lâm: 3 TS trúng tuyển; ngành chế biến lâm sản: 5 TS trúng tuyển. Cá biệt, ngành công nghệ giấy - bột giấy không có TS nào trúng tuyển.
Trao đổi với chúng tôi PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Trường chúng tôi chủ yếu là đào tạo về các ngành nông lâm ngư nghiệp nhưng điểm thi của các TS rất thấp so với mọi năm, những năm trước TS thi vào trường điểm rất cao, năm nay thì ngược lại, mọi năm trường chúng tôi xét nguyện vọng 2 ít ngành, nhưng năm nay theo mặt bằng điểm như vậy chắc có lẽ chúng tôi xét nguyện vọng 2, 3. Cũng theo ông Hùng, “Những năm gần đây, những ngành như cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản… có ít TS đăng ký học, một phần do các em ngại khổ, nghĩ rằng điều kiện, môi trường làm việc sau khi ra trường không tốt và nghe không… sang”. Cùng quan điểm, ThS. Phạm Phát, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, cho biết: “Trường chúng tôi là một trường tỉnh, nhưng năm nay điểm thi chúng tôi rất thấp, trường đào tạo năm chuyên ngành, nhưng chúng tôi chú trọng vào ngành nuôi trồng thủy sản và bảo vệ thực vật, dù hai ngành này chỉ tiêu rất nhiều nhưng tuyển cũng không bao giờ đủ, đây là thực trạng đáng báo động vì các em bây giờ đều thi vào các ngành kinh tế”.
Mất dần sức hút
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhiều năm nay cũng không thoát khỏi tình cảnh phải xét nguyện vọng 2, 3. Thầy Phạm Khôi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi thông tin tuyên truyền rất nhiều về trường và các ngành đào tạo, đặc biệt là các ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm nhưng vẫn không bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, chúng tôi đăng thông tin trên website nhà trường những tiêu chí mà các em SV theo học những ngành này được ưu đãi như thế nào rồi ra trường làm việc ở các cơ quan hay công ty nàosong cũng có rất ít TS đăng ký”. Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay TS thi vào trường rất đông, tăng gần 200%. Tuy nhiên, con số này cũng chẳng giúp được gì khi kết quả điểm thi của những ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học… hết sức ảm đạm. Cũng nằm trong cảnh “vãn chợ chiều” ở một số ngành học, ông Nguyễn Tấn Vui, Phó hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cũng cho rằng, khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực ngành này là rất cao vì vậy Bộ GD-ĐT nên có chính sách quyết liệt hơn nữa để thu hút TS. Ông Vui cũng đề nghị phương án giảm học phí đối với những ngành này để thu hút TS.
Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình cảnh “chợ chiều” ở các ngành nông - lâm - ngư nghiệp là do hệ thống các cơ sở đào tạo còn yếu; chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cân đối giữa lý thuyết và thực hành; đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả sau đào tạo yếu; phương pháp giảng dạy, học tập chậm đổi mới… Bên cạnh đó, công tác sử dụng cán bộ thiếu động lực cạnh tranh khiến hạn chế tính sáng tạo của cán bộ, không giữ chân được người giỏi.
Thanh Tàu