Thứ sáu, 12/11/2010, 08h11

Nhiều vướng mắc trong xây dựng trường mầm non

Năm học 2010-2011, các bé Trường MN Ngọc Lan (H. Bình Chánh) được học trong ngôi trường mới

Sáng 11-11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với các quận, huyện xung quanh vấn đề xây dựng trường mầm non. Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra đến năm 2012 thành phố phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) đối với trẻ 5 tuổi.
Tại buổi làm việc, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Theo Bộ GD-ĐT thì điều kiện để thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi là có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; có đủ thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDMN mới; có đủ giáo viên đạt và trên chuẩn; trẻ trong các cơ sở MN được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Từ thực tế trên địa bàn thành phố cho thấy cái khó nhất của chúng ta hiện nay chính là vấn đề cơ sở vật chất”…
Điểm lẻ… chằng chịt
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tiêu chuẩn phổ cập là huy động 95% trở lên số trẻ em 5 tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 85% số trẻ trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày. Về vấn đề này, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng: “Từ nhiều năm nay, thành phố đã huy động được trên 96% trẻ 5 tuổi ra lớp nhưng tỷ lệ này giữa các quận, huyện là không đồng đều. Thậm chí ngay trong một quận, huyện mà ở phường, xã này huy động được nhiều, phường, xã khác lại huy động được ít…”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP cũng cho biết: “Trong tổng số 81.190 trẻ 5 tuổi ra lớp vẫn còn 7.520 trẻ phải học 1 buổi, tập trung chủ yếu ở Q.8, Tân Phú và 5 huyện ngoại thành”.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này chính là sự thiếu đồng đều về cơ sở vật chất giữa các quận, huyện, phường, xã.
Theo báo cáo từ các phòng GD-ĐT quận, huyện cho thấy, trong số 407 trường MN công lập thì có tới 94 trường cần phải sửa chữa lớn và xây dựng mới. Đây là những trường có cơ sở vật chất xuống cấp, quá nhỏ - chỉ là nhà phố tận dụng lại. 94 trường xuống cấp này được rải đều ở hầu hết các quận, huyện. Trong đó, Q.1, Q.4, Q.6, Q.10 có tới 5 trường; Q.5 là 9 trường; Q.3 là 10 trường và đặc biệt là H. Củ Chi lên tới 14 trường.
Ngoài ra còn có 103 trường có từ 2 đến 9 điểm lẻ. Chẳng hạn như Q.3: 10 trường có từ 3 đến 6 điểm lẻ. Trong đó Trường MN P.13 có 1 trong 6 điểm lẻ xuống cấp nghiêm trọng. Q.4: 3 trường từ 5 đến 8 điểm lẻ; Q.11: 2 trường có điểm lẻ và điểm nào cũng rất nhỏ, xuống cấp. Ở các huyện ngoại thành như Củ Chi: 15 trường có điểm lẻ. Trong đó phải kể đến Trường MN Tân Thạnh Đông - 9 điểm lẻ, Trường MN Phú Hòa Đông - 8 điểm, Trường MN Bình Mỹ - 7 điểm. Điều đáng nói là các điểm lẻ ở đây cách nhau quá xa, gây khó khăn trong việc quản lý…
Từ 3-5 năm mới xây được 1 trường

Trường Mầm non Anh Đào (Gò Vấp) được xây mới và đưa vào sử dụng năm học 2010 - 2011. Ảnh: Q.Huy

Để đảm bảo chỗ học đúng chuẩn cho trẻ MN, trong đó trẻ 5 tuổi là 35 cháu/lớp, từ nay đến năm 2015 thành phố cần xây thêm 188 trường (tương đương 2.691 phòng học). Theo đó, năm 2011 sẽ xây 766 phòng (52 trường), năm 2012 - 615 phòng (45 trường), năm 2013 - 440 phòng (32 trường), năm 2014 - 403 phòng (29 trường) và năm 2015 - 467 phòng (30 trường). Tổng mức đầu tư để xây dựng 188 trường này là gần 3.579 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích đất để xây dựng những trường này đã có, cái khó chính là thủ tục…
Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án H.Hóc Môn cho biết, việc xây dựng một ngôi trường nhanh nhất là 2 năm, thông thường từ 3-5 năm. Đầu tiên là phải tìm đất, có đất rồi thì xin cấp vốn, sau đó thiết kế. Việc thiết kế bản vẽ một ngôi trường không hề đơn giản chút nào, phải tuân thủ rất nhiều quy định rườm rà. Chẳng hạn như với trường MN thì không được xây quá 1 trệt 1 lầu, các bên phải trừ ra 4 mét để xe cứu hỏa di chuyển… Tóm lại, “Việc xây dựng một ngôi trường liên quan đến rất nhiều sở ngành, như là Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Kiến trúc quy hoạch, Sở Xây dựng…”, vị cán bộ này nói.
Trường MN 13, Q.Bình Thạnh đã xuất hiện trên giấy từ nhiều năm nay, nhưng hiện tại: “Đất thì bỏ trống, còn học sinh đang phải học trong ngôi trường cũ xuống cấp”, ông Nguyễn Trọng Chức - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh tâm tư. Và nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này kéo dài là do thủ tục “hành là chính”.
Tại buổi làm việc, nhiều cán bộ thuộc Ban quản lý dự án các quận, huyện có chung một ý kiến là đề nghị cho phép nâng tầng ở các trường MN. Bởi hiện nay quy định xây tối đa 1 trệt 1 lầu đối với TP.HCM đất chật người đông, nhất là các quận trung tâm - tấc đất tấc vàng thì rất khó thực hiện.
Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án Q.6 kiến nghị: “Các sở ngành cần thống nhất để trường MN được xây 1 trệt và 2-4 lầu. Ở lầu 3, lầu 4 sẽ là phòng chức năng, bếp ăn, sân chơi của cháu. Còn tầng trệt, lầu 1, lầu 2 thì làm phòng học…”.
Trước những bức xúc của các quận, huyện, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng: “Thủ tục xây dựng 1 trường có khi lên đến 5 năm. Vì vậy, khi gặp khó khăn thì các quận, huyện phải báo ngay với tổ liên ngành để tháo gỡ. Có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ xây dựng trường”.
Bài, ảnh: Hòa Triều