Thứ bảy, 14/11/2015, 23h43

Những đóa hồng thầm lặng

Các thầy cô giáo tại buổi giao lưu Những đóa hồng thầm lặng. Trong ảnh: Từ trái qua, thầy Lê Thái Minh Hầu, cô Nguyễn Thị Thu Lan; cô Quách Thị Mộng Tuyền và Hoàng Thị Thu Hường

Vì tương lai của những thế hệ học sinh khuyết tật và hòa nhập, không ít cán bộ, giáo viên chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư. Với họ, sự tiến bộ của trẻ, dù rất chậm nhưng là niềm hạnh phúc lớn trong đời.

Chọn nghề giáo là đã chấp nhận sự hy sinh, vất vả, chọn giáo dục khuyết tật và hòa nhập càng vất vả gấp bao lần. Yêu nghề thôi chưa đủ, đòi hỏi giáo viên phải có tấm lòng cao cả và một ý chí, nghị lực phi thường mới có thể theo đuổi công việc đặc biệt này.

Công việc đặc biệt

Từ năm 1998, cô Nguyễn Thị Thu Lan (giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương, Q.12, TP.HCM) nhận công tác tại ngôi trường này mà theo cô, nó như ngôi nhà mình vậy. Cô Thu Lan chia sẻ về ngày đầu đến với học sinh khuyết tật: “Thấy các em gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt mình không thể cầm lòng được. Mình tự hứa với bản thân cố gắng học hỏi, trau dồi chuyên môn, đặc biệt là giáo dục đặc biệt để dạy các em tốt hơn”. Mới ngày nào bỡ ngỡ tiếp cận học sinh khuyết tật, đến nay đã tròn 17 năm cô gắn bó nơi này. Sau một ngày đóng vai mẹ, về đến nhà, cô lại tất bật với con nhỏ và chăm sóc chồng bị tai nạn nằm liệt giường đã chục năm nay. Cuộc sống của cô Thu Lan hiện đang rất khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng với đồng nghiệp và học sinh, tấm lòng cô luôn rộng mở.

Từ năm học 2011-2012, cô Quách Thị Mộng Tuyền (giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng, Q.Thủ Đức) được Ban Giám hiệu nhà trường phân công nhận trẻ khuyết tật hòa nhập tại lớp. Lúc bấy giờ, với cô Tuyền là thử thách và cũng là cơ hội để cô tiếp cận với trẻ mà cô có nhiều điều trăn trở từ lâu. Cô kể: “Là giáo viên mầm non, tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy một đứa trẻ suốt ngày la hét, tự cắn tay mình, không chịu tiếp xúc cũng không cho ai tới gần mình; Hay trẻ mắc hội chứng Down cầm sáp màu bỏ vô miệng nhai ngon lành, bị bạn cắn chảy máu mà chỉ biết khóc… Những lúc ấy, tôi nghĩ mình phải làm gì để trẻ biết những việc không nên làm; Làm sao để trẻ nói lên suy nghĩ, mong muốn chứ không phải hành hạ mình trong đau đớn? “Ngày đầu nhận trẻ mình cũng không tự tin lắm, khó khăn nữa là trẻ khuyết tật, hòa nhập không chịu hợp tác nhưng sau một thời gian, kết quả giáo dục ngoài mong đợi”, cô Tuyền nhớ lại.

Khi còn là giáo viên đứng lớp, thầy Lê Thái Minh Hầu (Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản, Q.5) đã đề cập đến tương lai những đứa trẻ khuyết tật và hòa nhập trong các buổi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và lãnh đạo ngành. Mọi thứ còn là mớ bòng bong, thầy quyết tâm tiếp cận với đối tượng trẻ hòa nhập và khuyết tật bằng cách đăng ký khóa học sư phạm đặc biệt. Thầy Hầu tâm sự: “Học để biết một đối tượng cần quan tâm đặc biệt để sau này khi về hưu sẽ tiếp cận với trẻ, tuy nhiên lúc đó, nhu cầu của địa phương, của ngành, chúng tôi thống nhất thực hiện tại trường từ năm học 2011-2012. Ban đầu vừa học chuyên môn vừa thí điểm nhận học sinh nên cũng gặp không ít trở ngại. Nhờ sự nỗ lực, chung tay của tập thể sư phạm, trẻ hòa nhập tốt, đó là niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi”.

Kết nối những trái tim yêu thương

Thầy Minh Hầu chia sẻ: “Dạy một đứa trẻ hòa nhập cần đầu tư công sức bằng dạy cả lớp bình thường bởi trẻ khuyết tật không những trí tuệ kém mà suy nghĩ, hành động đôi khi còn tự phát, không kiểm soát được hành vi. Sự tiến bộ của trẻ dù rất chậm nhưng vẫn là một thành công thể hiện sự kiên nhẫn của người thầy”. Vì lẽ đó, thầy Hầu mong mỏi: Tinh thần và thể chất của trẻ khuyết tật và hòa nhập phát triển tốt nhất cần có một môi trường tốt từ gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài yêu nghề mến trẻ từ phía giáo viên, cần có sự đồng hành và chia sẻ của cả cộng đồng. Thầy Hầu cũng đề xuất cần có chế độ cho giáo viên dạy hòa nhập một cách hợp lý.

Với cương vị là một cán bộ quản lý, cô Hoàng Thị Thu Hường (Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Thảo Điền) cho rằng khó khăn của công tác giáo dục trẻ khuyết tật và hòa nhập hiện nay là không ít phụ huynh còn có định kiến khi con em mình học chung với trẻ khuyết tật, hòa nhập. Làm thế nào để xóa bỏ suy nghĩ ấy từ phụ huynh là một việc không hề đơn giản.

“Dang tay đón nhận trẻ khuyết tật giống như một sứ mệnh, trách nhiệm không thể chối bỏ. Những đứa con ấy hơn ai hết cần tình thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội”, cô Mộng Tuyền tâm sự.

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM - cũng đã gửi lời động viên giáo viên khuyết tật và hòa nhập đã không ngại khó, kiên trì thi đua sáng tạo, dù khó khăn nhưng vẫn giữ phẩm chất nhà giáo, uy tín của cá nhân. Toàn xã hội ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy cô giáo.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

“Cả xã hội ấm lòng từ những đóng góp, sẻ chia của thầy cô giáo nói chung và đội ngũ dạy khuyết tật và hòa nhập nói riêng. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ định hướng, tham mưu về chế độ, đặc biệt là công tác đào tạo chuyên môn cho các đơn vị. Tuyệt đối không đối xử phân biệt với trẻ khuyết tật mà phải đồng hành, cùng hợp tác, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ khuyết tật, hòa nhập”, ông Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - phát biểu. Dịp này, ông Sơn gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ thầy cô giáo đã và đang chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình vì thế hệ trẻ.