Thứ sáu, 12/3/2010, 10h03

Nóng bỏng cuộc đua tới danh hiệu Quả bóng Vàng VN 2009

Không lọt vào VCK Asian Cup 2011 nhưng các tuyển thủ vẫn lấn át so với các cầu thủ trẻ đoạt HC bạc SEA Games 25, khi có tới 7 đại diện trong danh sách 10 ứng cử cho danh hiệu Quả bóng Vàng nam năm 2009.
Trong danh 10 cá nhân nam được đề cử bầu chọn vừa được Ban tổ chức Báo Sài Gòn Giải Phóng công bố không có mặt của chủ nhân Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 Dương Hồng Sơn. Điều này cũng dễ hiểu khi Hồng Sơn có một năm thi đấu không tốt ở cấp CLB Hà Nội T&T và màu áo tuyển quốc gia. Tuy nhiên sự vắng mặt đáng tiếc này không làm cho cuộc đua tới danh hiệu kém phần gay cấn.

Tiền vệ Vũ Phong nhiều cơ hội lần đầu tiên đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng VN.

10 ứng cử viên nam: Phạm Thành Lương (Hà Nội ACB), Nguyễn Vũ Phong, Huỳnh Quang Thanh (Bình Dương), Vũ Như Thành (Bình Dương - Ninh Bình), Nguyễn Minh Phương (Đồng Tâm Long An), Bùi Tấn Trường (Đồng Tháp), Lê Tấn Tài, Nguyễn Quang Hải (Khánh Hòa), Mai Tiến Thành (Ninh Bình), Lê Công Vinh (Hà Nội T&T).
Trong năm 2009, đội tuyển quốc gia không vượt qua vòng loại giải vô địch châu Á (Asian Cup) 2011, còn đội U23 cũng không hoàn thành mục tiêu đoạt HC vàng SEA Games. Không có cá nhân nổi trội thế nên cuộc bầu chọn năm nay khó có thể dự đoán ai sẽ đứng đầu, cũng như gây đắn đo cho người bỏ phiếu.
Trong nhóm tuyển thủ quốc gia, ngôi sao tiền đạo từng 3 lần đoạt danh hiệu cao quý này Lê Công Vinh dù ghi được 15 bàn thắng trong mùa giải trước cho CLB T&T nhưng ở tuyển quốc gia anh không nổi bật. Thế nên khả năng cạnh tranh để góp mặt trong 3 danh hiệu Vàng – Bạc – Đồng của Công Vinh năm nay rất thấp.
Ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu này năm nay là tiền vệ Nguyễn Vũ Phong của Bình Dương. Phong độ của Vũ Phong trong năm khá ổn định ở cả CLB lẫn cấp đội tuyển quốc gia.
Năm 2009 Vũ Phong đã ghi 15 bàn thắng ở cả tuyển Việt Nam lẫn CLB Bình Dương. Thành tích này giúp cầu thủ gốc Vĩnh Long đoạt danh hiệu Chiếc giày Đồng trong năm.
Ở vòng loại Asian Cup 2011, Vũ Phong góp hai bàn thắng vào lưới Lebanon và Trung Quốc. Ở màu áo CLB, tiền vệ này đã đóng góp 4 bàn thắng giúp CLB Bình Dương lần đầu tiên lọt vào bán kết đấu trường AFC Cup (Cup C2 châu Á). Vũ Phong cũng có 6 bàn ở V-League và 3 bàn tại Cúp Quốc gia, giúp Bình Dương giành ngôi á quân và đứng thứ 3 ở hai mặt trận này.
Ở nhóm 3 cầu thủ U23 gồm Phạm Thành Lương, Mai Tiến Thành, Bùi Tấn Trường khả năng cạnh tranh Quả bóng Vàng cũng hết sức khó khăn. Bởi dù giúp U23 Việt Nam đoạt HC bạc SEA Games 25 nhưng ở cấp CLB cả ba không thể sánh bằng lớp đàn anh. Thành Lương cùng HN.ACB chơi ở hạng Nhất. Mai Tiến Thành tích cực hơn khi giúp Ninh Bình thăng hạng V-League và có 5 bàn thắng tại SEA Games nhưng có lẽ cũng chưa đủ khả năng để đoạt vị trí cao trong cuộc bầu chọn. Thủ môn Tấn Trường cũng khó tạo bất ngờ.
Cuộc bầu chọn của nữ cũng không kém phần quyết liệt. Chủ nhân Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 Ngọc Châm do không có mặt cùng tuyển đoạt HC vàng SEA Games 25 vì chấn thương nên khó có thể đua với những gương mặt còn lại. Xét về góc độ cống hiến cũng như chơi nổi bật, tuyển thủ Kim Chi, thủ môn Kiều Trinh, trung vệ Đào Thị Miện hay hậu vệ Kim Hồng tất nhiên sẽ lấy điểm người bình chọn.
10 ứng cử viên nữ: Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đỗ Thị Ngọc Châm, Bùi Thị Tuyết Mai (Hà Nội), Đoàn Thị Kim Chi, Đặng Thị Kiều Trinh, Trần Thị Kim Hồng (TP HCM), Nguyễn Thị Mai Lan (Than KSVN), Đào Thị Miện, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hòa Hợp Hà Nội), Văn Thị Thanh (Hà Nam).
Cầu thủ trẻ xuất sắc: Trần Mạnh Dũng (Nam Định), Nguyễn Trọng Hoàng (SLNA), Phạm Nguyên Sa (Đà Nẵng), Hoàng Đình Tùng (Thanh Hóa), Hà Minh Tuấn ( Đà Nẵng).
Cầu thủ ngoại xuất sắc: Philani (Bình Dương), Leandro (Hải Phòng), Gaston Merlo (Đà Nẵng), Lazaro (Quân khu 4), Timothy ( Đồng Tháp).
Theo kế hoạch, BTC giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2009 sẽ gửi phiếu bầu chọn đến các chuyên gia, huấn luyện viên, phóng viên thể thao trên cả nước từ ngày 13/3 đến hết ngày 25/3. Dự kiến đầu tháng 4, BTC sẽ kiểm phiếu và công bố kết quả.
Những cầu thủ nam từng đoạt Quả bóng vàng Việt Nam:
Lê Huỳnh Đức (1995)
Võ Hoàng Bửu (1996)
Lê Huỳnh Đức (1997)
Nguyễn Hồng Sơn (1998)
Trần Công Minh (1999)
Nguyễn Hồng Sơn (2000)
Võ Văn Hạnh (2001)
Lê Huỳnh Đức (2002)
Phạm Văn Quyến (2003)
Lê Công Vinh (2004)
Phan Văn Tài Em (2005)
Lê Công Vinh (2006)
Lê Công Vinh (2007)
Dương Hồng Sơn (2008)
An Nhơn (theo vnexpress)