Thứ sáu, 20/11/2015, 10h01

Nữ tiến sĩ trẻ

Nữ giảng viên trẻ Đặng Huỳnh Giao rạng ngời chụp ảnh cùng người thân trong ngày nhận bằng tiến sĩ mới đây

Giảng viên Đặng Huỳnh Giao hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ trong 2 năm thay vì đúng hạn 3 năm và tốt nghiệp thạc sĩ đầu ngành công nghệ hóa học trong 1 năm rưỡi thay vì 2 năm với điểm số ấn tượng 9,48. Đồng thời chị còn có 6 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế dù trong quy định đào tạo tiến sĩ chỉ yêu cầu 2 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận.

Buổi dạy đầu tiên thật đáng nhớ với giảng viên Đặng Huỳnh Giao (SN 1981, Bộ môn công nghệ hóa học, Khoa Công nghệ Trường ĐH Cần Thơ) vì không sinh viên nào tin... chị là cô giáo. Cũng không có gì lạ bởi thời điểm ấy vừa bước vào tuổi 23 đến giảng đường với vai trò là giảng viên, trông chị không khác sinh viên bao nhiêu...

Giờ đây sau nhiều năm đi dạy, dù vẫn với dáng vẻ trẻ trung, nhỏ nhắn nhưng sinh viên nhận ngay ra chị. Bởi ở trường chị được biết đến với thành tích tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ lẫn tiến sĩ trước thời hạn.

Ở phòng lab nhiều hơn ở nhà

Chị chia sẻ, thời gian đầu, một phần vì ngại tiếng Anh nên viết bài báo quốc tế là thử thách lớn. Nhưng may mắn được làm việc với các giảng viên giỏi ngoại ngữ, nhiều kinh nghiệm viết bài báo quốc tế, chị được tiếp thêm động lực và chia sẻ những kinh nghiệm quý. Chị đọc nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành và tập viết mỗi ngày. Mỗi ngày chị đọc ít nhất 50 bài báo quốc tế.

Đối với chị, trót đam mê nghiên cứu khoa học đồng nghĩa bản thân có một sự hy sinh rất lớn. Không chỉ đơn giản là việc tiếp xúc với hóa chất, nếu thiếu cẩn thận hoặc không biết cách bảo vệ sẽ ảnh hưởng sức khỏe, đến khả năng làm mẹ và cả nhan sắc. Đó còn là suốt ngày này tháng nọ chị gắn mình với phòng thực hành, miệt mài với các thí nghiệm. Nhiều năm liền, thời gian của chị ở phòng lab còn nhiều hơn ở nhà. Cứ đều đặn, thứ hai cũng như chủ nhật, chị có mặt ở phòng thí nghiệm vào 6 giờ 30 phút sáng và rời đó khi phố đã lên đèn.

Thế nhưng lại có giai đoạn chị rơi vào bế tắc, chán nản khi kết quả nghiên cứu suốt một năm trời không như mong muốn. Chị đã mất đến 1 năm đầu để dời chuyển hướng nghiên cứu, trước khi đạt được thành công như ngày hôm nay.

Theo chị, trở ngại lớn nhất đối với việc nghiên cứu khoa học của lực lượng giảng viên trẻ, sinh viên hiện nay là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt thiếu kinh phí để thăm dò những hướng nghiên cứu mới cũng như chưa được tiếp cận nhiều với khoa học tiên tiến. Vì vậy, giảng viên trẻ, nhất là sinh viên khi nghiên cứu phải có niềm đam mê mãnh liệt để bước qua được tất cả khó khăn đó. Đừng nản lòng trước khó khăn mà hãy xem đó là thử thách, cơ hội, không nên than vãn hay chờ thời cơ, thay vào đó phải tự mình tìm lấy hướng đi.

“Sống như chỉ còn 1 ngày để sống”

Nữ giảng viên trẻ Đặng Huỳnh Giao chia sẻ niềm vui với thầy hướng dẫn GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2014) tại buổi nhận bằng tiến sĩ

Cũng như trong nghiên cứu khoa học, cả cuộc sống thường nhật, chị luôn tâm niệm “sống như chỉ còn một ngày để sống”. Có như vậy, người ta mới biết trân quý ý nghĩa từng phút giây và sẽ không bao giờ để lỡ nó.

Trước đây, khi chọn ngành kỹ thuật, chị không hề nghĩ trong tương lai mình sẽ trở thành giảng viên. Thời phổ thông, chị mong ước thành dược sĩ hoặc tham gia lĩnh vực nào đó có thể thỏa nguyện niềm đam mê hóa học. Tốt nghiệp THPT với số điểm 57, chị đồng thời được tuyển thẳng vào ĐH ngành kỹ thuật hóa học (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đúng như mong ước. Tốt nghiệp ĐH, chị thử sức công việc giảng dạy ở Bộ môn công nghệ hóa học (Trường ĐH Cần Thơ) và bắt đầu bén duyên với nghề giáo. “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in món quà 20-11 chân chất mà học trò đã tặng vào năm đầu tiên đi dạy. Đó là cánh thiệp tự tay các em vẽ bằng bút chì trên trang giấy tập bình thường, dù đơn giản nhưng khiến tôi vô cùng xúc động” - nữ tiến sĩ trẻ thổ lộ.

Tình cảm học trò, tình thân đồng nghiệp là một phần lý do giúp chị vững tin hơn với con đường đã chọn. Hiện tại, chị đang tham gia viết chương trình đào tạo chất lượng cao ngành kỹ thuật hóa học, ngành kỹ thuật vật liệu của Trường ĐH Cần Thơ đồng thời phụ trách công việc trợ lý nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và quản lý dự án của Khoa Công nghệ. Đồng thời, chị tiếp tục tham gia nhóm nghiên cứu với các giảng viên hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Mê Tâm