Thứ ba, 27/9/2016, 21h40

Phải sửa những gì người dân không hài lòng

Sáng 27-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với UBND TP.HCM về hoạt động khảo sát chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tại đây, ông Nhân cho rằng, việc cải cách hành chính, quan trọng nhất là làm cho người dân hài lòng. Và muốn vậy thì phải sửa những gì người dân không hài lòng...

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM sáng 27-9

Tại đây, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - báo cáo: Để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, TP.HCM đã ban hành 4 quyết định và 1 chỉ thị nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, từ năm 2016, TP có đường dây nóng của Thành ủy (hiện đã có trên 10.000 cuộc gọi phản ánh qua đường dây này - PV); hiện có trên 300 phường, xã có cơ chế một cửa liên thông… Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thái độ của CC-VC trong việc tiếp công dân và có thư xin lỗi người dân nếu chậm trễ về hồ sơ, thủ tục. Riêng việc giải quyết thủ tục hành chính, đã giải quyết trên 6,6 triệu hồ sơ đúng hạn và 20.887 hồ sơ quá hạn...

Về việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP - cho biết: TP.HCM có nhiều cách khảo sát người dân nhưng hiện nay TP đang thực hiện việc chấm điểm CB-CC về thái độ phục vụ, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Cách làm này bắt đầu thực hiện ở quận 1, sau đó triển khai rộng ra quận, huyện khác. Kết quả, “Đa số người dân hài lòng về thái độ phục vụ nhưng không hài lòng về thái độ hướng dẫn. Có trường hợp, cán bộ tiếp dân như “giang hồ”...”, ông Tuyến thừa nhận.

Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc cải cách hành chính, quan trọng nhất là làm cho người dân hài lòng.

“TP.HCM là trung tâm về khoa học - công nghệ; kinh tế - văn hóa… của cả nước cần phải liên tục đổi mới. Thời gian tới, trên kết quả đã đạt được cần tiếp tục điều chỉnh, nâng cao hơn nữa chất lượng công việc phục vụ người dân. Phương châm thực hiện “biết, sửa và công bố”. Theo đó, phải biết vì sao người dân không hài lòng, sửa những gì người dân không hài lòng và quan trọng là công bố kết quả để người dân được biết. Kinh nghiệm cho thấy, không nên yêu cầu quá chi tiết sẽ gây quá tải, phải tăng cường lấy ý kiến của người dân ngay tại nơi vừa phục vụ. TP.HCM cũng cần tham khảo thêm cách làm của các địa phương khác, xác định thêm các mức đánh giá mức độ hài lòng của người dân...”, ông Nhân chỉ đạo.

Quỳnh Chi