Chủ nhật, 25/9/2016, 21h33

Phương án khoa học nhưng cần có lộ trình

Hầu hết các chuyên gia và nhà giáo tại đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Dự thảo phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã kế thừa những mặt tích cực của các kỳ thi THPT quốc gia trước và có những cải tiến để kỳ thi đánh giá sát năng lực thí sinh.

Tiết dạy học toán tại lớp 12A2 Trường THPT Bình Thủy (TP.Cần Thơ)

Cụ thể, thi dạng đề tổng hợp giúp học sinh giảm tình trạng học tủ và phân biệt môn chính - phụ. Các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn văn) nên nội dung đề sẽ bao quát chương trình hơn. Mỗi thí sinh một đề riêng, tránh tình trạng sao chép của nhau khi làm bài…

Trắc nghiệm thích hợp hơn tự luận

Trước những băn khoăn về môn thi trắc nghiệm, nhất là môn toán, các chuyên gia nhận xét: “Thi tự luận và trắc nghiệm đều có ưu, nhược điểm riêng. Nhưng nếu để đánh giá mặt bằng trình độ chung xét tốt nghiệp THPT, thì trắc nghiệm thích hợp hơn tự luận”. PGS.TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) phân tích: “Trước 1975 miền Nam đã thi tú tài bằng phương thức trắc nghiệm các môn, và cho kết quả rất tốt. Trên thế giới, các nước tiên tiến đều tổ chức thi trắc nghiệm để đánh giá kỳ thi tốt nghiệp trung học”. ThS. Nguyễn Hoàng Anh (Tổ trưởng Tổ toán, Trường THPT Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cũng đánh giá cao phương thức thi trắc nghiệm: “Đề trắc nghiệm môn toán mang tính bao quát hơn đề tự luận. Sẽ kiểm tra được năng lực thí sinh giống như tự luận nếu kỹ thuật ra đề tốt, giúp làm giảm đến mức thấp nhất xác suất may rủi nếu thí sinh làm bài đánh cầu may. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên cho đề tổng hợp trắc nghiệm kết hợp tự luận. Những câu khó nên cho tự luận để giáo viên có thể kiểm tra kiến thức và kỹ năng của thí sinh. Trước mắt, chúng tôi đề nghị bộ cho nhiều dạng bài mẫu để thầy và trò tập luyện, làm quen với dạng đề của môn toán”.

Nguy cơ học sinh sẽ học lệch

“Do chỉ có một cụm thi nên không còn sự phân biệt bằng cấp. Khi có kết quả, các thí sinh đạt yêu cầu đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH, CĐ với những chuyên ngành yêu thích”, GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) nói.

Bên cạnh ưu điểm, khá nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh cho rằng phương án cần dời sang năm 2018, hoặc tốt nhất là khi thực hiện dạy theo chương trình sách giáo khoa mới bởi các trường đã tổ chức dạy học cho học sinh khối 12 được gần nửa học kỳ. Thời gian còn lại khó lòng luyện cho các em cách làm bài trắc nghiệm các môn thi. Riêng môn giáo dục công dân, trước nay nhà trường và học sinh coi là môn phụ, đầu tư cho việc dạy và học không nhiều nên các em sẽ gặp khó khi thi tốt nghiệp. Vấn đề tổ hợp các môn theo khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên khiến nhiều cán bộ quản lý và giáo viên bức xúc. Nhiều giáo viên môn sử, địa cho rằng: Đề thi chỉ có 20 câu thì không thể bao quát hết chương trình, đặc biệt sử là môn cần năng lực đánh giá, nhận định vấn đề nơi thí sinh. Cô Huỳnh Thị Mỹ Xuân (giáo viên môn sử Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.Cần Thơ) băn khoăn: “Khối lượng kiến thức trong môn sử rất nhiều nên học sinh thường có tâm lý ngại học. Nếu thi trắc nghiệm phải học hết chương trình tôi e rằng nhiều em sẽ bỏ học môn này vì tin vào xác suất may rủi khi làm bài. Dù dự thảo chưa chính thức ban hành nhưng đã có nhiều học sinh lơ là trong việc học”. Đồng tình, cô Ngô Thị Vân Anh (Tổ trưởng Tổ sử - địa Trường THPT Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) nêu thực trạng: “Chỉ mới nghe tin thi trắc nghiệm thôi mà rất nhiều học sinh khối 12 có dấu hiệu buông xuôi, không đầu tư nhiều cho việc học. Nhiều em không học bài, không chăm chú nghe giảng. Những năm trước 100% học sinh mua bảng Atlat sử dụng để học tốt môn địa. Năm nay nhiều em không mua vì cho rằng “không cần học kỹ, làm bài đánh cầu may cũng đủ điểm tốt nghiệp, nhất là xét tốt nghiệp bằng cách cộng điểm thi với điểm học bạ chia hai””.

Nhiều giáo viên cũng băn khoăn: Ngoài môn lý, hóa, sinh đã thi trắc nghiệm, các môn còn lại học sinh được học để thi theo tự luận từ lớp 10, nay đột nhiên thay đổi sẽ khó cho các em vì chưa quen dạng đề. Cô Nguyễn Thị Kim Loan (Hiệu trưởng THPT Trần Đại Nghĩa) bức xúc: “Cách thi trắc nghiệm đã hình thành trong suy nghĩ nhiều giáo viên và học sinh rằng đây là kiểu thi mang tính may rủi. Giáo viên dạy không sâu vì cho rằng chỉ cần hướng dẫn học sinh bí quyết nhận diện đề. Học sinh không chăm học vì phần trả lời đã tái hiện kiến thức… Tôi cảm thấy chủ trương thi trắc nghiệm các môn đã gây hoang mang cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo tôi, phương án thi tuy khoa học nhưng cần có lộ trình để thầy trò chuẩn bị. Với cách thi tổng hợp môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thí sinh có quyền chọn 1 trong 2 tổ hợp để thi nên sẽ hình thành việc học lệch cho học sinh ngay khi các em bước vào lớp 10”.

Bên cạnh những băn khoăn của cán bộ quản lý, giáo viên, nhiều học sinh khối 12 vẫn chăm chỉ đầu tư cho học tập và chấp nhận sự thay đổi này. Một trong số đó là em Trần Thị Thi Thơ (lớp 12A2 Trường THPT Bình Thủy. “Em sẽ thi khối D ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Cần Thơ. Em chọn tổ hợp khoa học xã hội và tập trung đầu tư cho việc học. Theo em, chủ trương của Bộ GD-ĐT là muốn học sinh phải học đều các môn, không được học lệch, học tủ. Những thay đổi này khiến em phải học nhiều hơn, phải luyện cách làm bài trắc nghiệm các môn mới. Em hy vọng mình sẽ để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới”, Thơ tự tin nói.

Đan Phượng