Thứ sáu, 9/7/2010, 08h07

Rớt tốt nghiệp THPT và đại học: Vẫn còn 800 ngàn chỗ học

Học sinh đang đăng ký học nghề tại Trường Giáo dục & Đào tạo Úc –Việt. Ảnh: V.M

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cả nước có hơn 1 triệu học sinh dự thi thì có hơn 100 ngàn học sinh rớt tốt nghiệp (cả THPT và GDTX). Mặt khác ở đợt thi CĐ, ĐH năm 2010 cũng có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, nhưng chỉ tiêu đào tạo tại các trường chỉ khoảng 400 ngàn chỉ tiêu hệ chính quy. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 700 ngàn thí sinh rớt CĐ, ĐH. Vậy con đường nào để các em tiếp tục bước vào đời?
Thừa chỗ học
Theo thống kê của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, năm 2010 cả nước có khoảng 560 trường có đào tạo hệ trung cấp (gồm các trường ĐH, CĐ, TCCN, TC nghề) và gần 40 cơ sở đào tạo, hơn 200 trung tâm dạy nghề lớn. Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh gần 800.000 (tăng 15% so với năm 2009) ở hơn 200 ngành nghề khác nhau. Trong đó riêng các trường thuộc bộ, ngành trung ương như: Bộ GD-ĐT là 64 trường, Bộ Công thương 39 trường, các bộ như: Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ LĐ-TB-XH… hơn 200 trường. So với số học sinh, thí sinh năm nay rớt tốt nghiệp và dự kiến rớt CĐ, ĐH hơn 800.000 em thì không lo thiếu chỗ học. 
Riêng TP.HCM có 43 trường TCCN với 51.000 chỉ tiêu trong khi đó số học sinh rớt tốt nghiệp (THPT, GDTX, bỏ học) chỉ khoảng 10.000 và dự kiến có khoảng hơn 20.000 thí sinh rớt CĐ, ĐH. Điều này theo ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì “các trường hoàn toàn đáp ứng tốt cho học sinh học nghề”. Ông Thanh nhìn nhận các trường TCCN ở TP.HCM có cơ sở vật chất tốt, nhiều ngành nghề hiện doanh nghiệp rất thiếu nhân lực: kế toán, điều dưỡng, nghiệp vụ ngân hàng, cơ khí, vận hành máy CNC, hướng dẫn viên du lịch, quản lý nhà hàng khách sạn, đồ họa đa truyền thông, cơ điện tử… Trong khi đó học trung cấp các em có thể theo học nghề chất lượng cao như: hàn 4G-6G (theo tiêu chuẩn châu Âu), bếp trưởng, quản lý nhà hàng khách sạn… hoặc theo chương trình hợp tác với nước ngoài như: chương trình Singapore Polytechtic (hai nghề là cơ điện tử và công nghệ thông tin, đồ họa đa truyền thông) ở các trường như Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường Trung cấp Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, Trường Trung cấp Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh.
TS. Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp & Bồi dưỡng giáo viên, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: “Các em học sinh học TCCN chỉ cần 5, 6 năm có thể lấy bằng ĐH hoặc cao hơn nữa bằng cách học liên thông. Để tạo điều kiện thu hút tối đa học sinh vào các trường TCCN, theo quy định tuyển sinh TCCN sẽ tuyển sinh cả năm, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, dừng học giữa chừng ở các lớp 10, 11 hoặc 12 đều có quyền đăng ký dự tuyển vào học TCCN. Điều kiện xét tuyển đối với những đối tượng này là lấy theo điểm tốt nghiệp THCS, THPT hoặc điểm tổng kết bốn năm học THCS, hoặc điểm tổng kết của năm học lớp 9 tùy thuộc cơ sở đào tạo quyết định áp dụng cho mỗi nhóm đối tượng này”.
Không lo thất nghiệp
Theo số liệu công bố của Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2008 đến 2012, những doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở các ngành như ngành công nghiệp đóng tàu cần khoảng 47.000 lao động kỹ thuật; ngành hàn cần 10.600 lao động; công nghiệp ô tô và tự động hóa cần từ 150.000-300.000 lao động có trình độ từ trung cấp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Chưa kể các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang cần một lượng lớn lao động kỹ thuật tay nghề cao. Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự báo từ nay đến cuối năm 2010, TP.HCM cần trên 100.000 lao động. Đặc biệt ở các nhóm ngành nghề marketing, nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ - phục vụ, cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng là những ngành nghề cung luôn luôn không đủ cầu, nên nhiều công ty vẫn “đỏ mắt” tìm lao động. 
Đặc biệt, hiện nay nhiều trường đào tạo theo địa chỉ như: Trường CĐ Nghề TP.HCM, Trường Trung cấp Công nghệ kỹ thuật Hùng Vương, Trường Trung cấp Khách sạn - Nhà hàng Saigon Tourist, Trung cấp Bến Thành, Trường Trung cấp Mai Linh, Trường CĐ Cao Thắng, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành. ThS. Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành, cho rằng: “Hiện nay các doanh nghiệp đang rất thiếu lao động ở trình độ trung cấp. Học trung cấp các em được thực tập có lương ngay trong trường vì Bến Thành là trường của doanh nghiệp nên trường chúng tôi đào tạo một số ngành nghề như: may - thiết kế thời trang, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp… để đáp ứng cho sự phát triển của đơn vị. Ngoài ra trường còn liên kết với Công ty CP Dệt Phong Phú để nhận học sinh sau khi tốt nghiệp”. Đó cũng là vấn đề được nhiều trường đưa ra làm mục tiêu đào tạo của mình.
Vì vậy, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Học sinh hiện nay không phải cùng đường mới vào học trung cấp mà các em đã dần dần định hình cho mình một hướng vào đời. Mặt khác ra trường các em có việc làm ngay, thể hiện ở nhiều ngành nghề học sinh ra trường cung không đủ cầu cho doanh nghiệp. Trong các năm tới nếu làm tốt hơn nữa vấn đề phân luồng, số học sinh vào học trung cấp sẽ tăng cao”.
Bài, ảnh: Trần Văn