Thứ bảy, 15/10/2016, 20h21

Sau cai nghiện tại gia và cộng đồng: Hơn 40% trường hợp tái nghiện

Đó là con số thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Theo thống kê, tổng số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định tại TP.HCM là 11.953 người. Trong đó, số người cai nghiện ma túy tại gia và cộng đồng là 2.227 người. Tính đến thời điểm này có 1.030 người hoàn thành thời gian cai nghiện, trong đó có 403 người tái nghiện… Vậy, đâu là nguyên nhân?

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: T.A

Cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu; Không thể xác định tình trạng nghiện đối với ma túy tổng hợp trong hai ngày, đồng thời không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cho phép tạm giữ người nghiện ma túy để chờ xác định tình trạng nghiện; Thiếu kinh phí cắt cơn giải độc… Đó là những nguyên nhân khiến mô hình cai nghiện tại cộng đồng chưa đạt hiệu quả như mong muốn đã được phân tích tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện cai nghiện ma túy tại gia và cộng đồng trên địa bàn TP.HCM do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM, bức xúc: “Theo quy định, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định khi có quyết định của tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, sau ba ngày mà không có kháng nghị, khiếu nại thì mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong thời gian này không quy định giao người nghiện cho tổ chức, cá nhân nào quản lý nên xảy ra tình trạng bỏ trốn, không chấp hành quyết định của tòa án”.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q.5 cũng bức xúc không kém: “Gia đình cố giấu các điểm cai nghiện tự nguyện của người thân, địa phương liên hệ không được là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng cai nghiện tại địa phương không cao...”.

Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS, sau một năm triển khai mô hình cai nghiện tại gia và cộng đồng, số người nghiện tự nguyện đăng ký điều trị methadone là rất thấp - chỉ có 4.342 bệnh nhân.

Kinh phí cắt cơn, giải độc và đưa người nghiện đến cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa hiện nay đang là vấn đề nổi cộm tại các địa phương. Nếu chưa được cắt cơn, dễ xảy ra sự cố nguy hiểm, mất an toàn cho người nghiện ma túy cũng như xã hội. Đội ngũ y, bác sĩ chưa được tập huấn, trang bị kỹ năng trong việc xác định tình trạng nghiện cũng là một trở ngại lớn.

Nguyên nhân nữa khiến công tác quản lý cai nghiện tại gia và cộng đồng kém hiệu quả mà các địa phương đều gặp phải là hầu hết người nghiện và gia đình chưa thật sự tự giác khai báo tình trạng nghiện và lựa chọn hình thức cai nghiện với chính quyền. Theo lý giải của các quận, huyện là do người nghiện ngại chịu sự quản lý, tâm lý sợ bị kỳ thị, xa lánh…

Ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Q.Thủ Đức chia sẻ: Hiện trên địa bàn quận có 807 người nghiện, trong đó số người cai nghiện tại gia và cộng đồng chỉ 240 người và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng là 111 người. “Khi nào bị bắt và test kết quả dương tính với ma túy thì người nghiện mới chịu ký vào đơn đăng ký cai nghiện tự nguyện chứ chưa có trường hợp nào thật sự tự nguyện”, ông Trung tâm tư.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng về tình trạng người sử dụng ma túy đá không kiểm soát được hành vi của mình. Các đại biểu kiến nghị, khi phát hiện các trường hợp dương tính thì lập hồ đưa vào cơ sở cắt cơn, giải độc ngay. Thời gian này sẽ kết hợp điều trị tâm lý, điều chỉnh các hành vi gây hại cho xã hội của người nghiện.

Từ thực tế này, ông Du cho biết, sẽ tham mưu UBND TP một số nội dung liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tại gia và cộng đồng để có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, ông Du cũng đề nghị phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tích cực rà soát việc đào tạo nghề cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng để hạn chế tình trạng tái nghiện...

Trần Anh