Thứ bảy, 17/9/2016, 19h49

Tai nạn giao thông từ thiếu niên uống rượu bia

Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy có đến 43% thiếu niên uống rượu bia lần đầu trước 14 tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây TNGT, gây nghiện, bệnh tật cho người trẻ.

Độ tuổi sử dụng rượu bia tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa (ảnh chụp quán lề đường tại làng ĐH Thủ Đức)

Những “bài học” đau lòng

Tiêu biểu là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 3-4-2016 trên đường liên xã thuộc thôn Bình Minh, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Hôm đó, em Trần Quốc (16 tuổi) đang trong trạng thái say xỉn, điều khiển xe máy mang BKS 49N-686.65 lưu thông hướng từ thôn Bình Hòa về Bình Thành đã sơ ý đâm mạnh vào đuôi xe công nông không biển số do ông Nguyễn Thành Đô (sinh năm 1959, trú tại thôn 5, xã Bình Thành, thị xã Buôn Hồ) điều khiển lưu thông cùng chiều. Do va chạm quá mạnh nên chiếc xe máy bị gãy làm đôi, riêng Quốc bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Một vụ TNGT đau lòng khác xảy ra tại Cần Thơ, em Nguyễn Đức Phương (18 tuổi) trong trạng thái chếnh choáng hơi men chở bạn là Đoàn Hoàng Phúc (học sinh lớp 11) đi uống cà phê. Do lưu thông với tốc độ cao nên khi đến dốc cầu, Phương đã bị lạc tay lái sang làn đường bên trái, tông vào cọc bê tông khiến cả hai đều bị té xuống đường. Phương may mắn bảo toàn được mạng sống, nhưng cái chết của Phúc đã khiến em phải chịu mức án 2 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ. Tại tòa, Phương khẩn khoản xin được giảm án để có thể sớm trở về chăm sóc người mẹ già, bệnh tật do hoàn cảnh gia đình neo đơn.

Theo khuyến cáo, những người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi có nguy cơ nghiện rượu về sau tăng gấp 4 lần, nguy cơ tham gia bạo lực tăng 6 lần, nguy cơ TNGT sau khi uống rượu bia tăng 6 lần. Thậm chí rượu bia còn tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của não ở tuổi thanh thiếu niên, dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ do chất rượu cồn đã gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (hóa chất chuyên chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh)...

Cũng từng xảy ra trường hợp thiếu niên tử vong do TNGT, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, độ tuổi nạn nhân TNGT là thanh, thiếu niên ở địa bàn chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, số vụ TNGT liên quan đến nhóm tuổi từ dưới 18-27 tuổi là 179 vụ (chiếm gần 44% trong tổng số TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh), riêng tuổi dưới 18 xảy ra 21 vụ, chiếm hơn 5%. Thượng tá Đinh Công Tiến, Đội trưởng Đội tuyên truyền và điều tra xử lý TNGT lưu ý, nguyên nhân dẫn đến TNGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên chủ yếu là do sử dụng rượu bia, đi ngược chiều, vi phạm tốc độ, non yếu về kỹ năng điều khiển xe máy…

Không chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền như các địa phương khác, trong nhiều năm qua, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có văn bản nghiêm cấm học sinh uống rượu bia khi liên hoan chia tay cuối năm, tổ chức dã ngoại, liên hoan nhóm... Do trong những năm gần đây, dịp cuối năm học, học sinh phổ thông cuối cấp thường sử dụng rượu bia trong các cuộc liên hoan, dẫn tới TNGT, làm mất trật tự nơi công cộng hoặc xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng tới môi trường.

43% thiếu niên uống rượu bia lần đầu trước 14 tuổi

Theo nhận định của ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), độ tuổi sử dụng rượu bia ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Kết quả của cuộc khảo sát trong thời gian là 30 ngày, cho thấy có tới 33% học sinh nam và 17% học sinh nữ trong độ tuổi từ 13-17 tuổi có uống ít nhất một cốc rượu hoặc bia. Trong đó, có 43% thiếu niên uống rượu bia lần đầu từ trước 14 tuổi.

Thông qua kết quả điều tra quốc gia vị thành niên VN năm 2009, ông Bảo cảnh báo rằng có đến 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau khi uống rượu bia, dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ 1 tuần trở lên. Ông Bảo cho rằng đây là vấn đề đáng quan ngại gây nên các hệ lụy về TNGT, hành vi bạo lực… Do đó, việc ban hành và thực thi Luật Phòng chống tác hại rượu bia là giải pháp quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Về giải pháp, theo ông Bảo, giải pháp quan trọng cấp thiết nhất hiện nay là ban hành và thực thi Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Trong luật cần có các quy định chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia; quy định về địa điểm không được bán, sử dụng rượu bia; và độ tuổi tối thiểu được sử dụng rượu bia; quy định về rượu bia đối với an toàn giao thông…

Bài, ảnh: Bích Vân