Thứ sáu, 19/4/2024, 13h29

Tâm hồn cao thượng - nên là quyển sách nằm lòng của học sinh

“Tâm hn cao thưng” ca Edmond de Amicis là mt trong nhng tác phm dy làm ngưi hay nht, đáng đc nht.


Theo tác gi, nhà trưng và thy cô nên gi m đ hc sinh đc, tìm hiu và thc hành theo nhng bài hc trong sách “Tâm hn cao thưng” (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Hiện đã có rất nhiều bản dịch hay, nhưng nhiều người hẳn vẫn thích bản dịch của Hà Mai Anh. Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975) là tác giả của nhiều sách giáo khoa về văn chương và toán học, đồng thời là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó “Tâm hồn cao thượng” được nhiều thế hệ bạn đọc nhớ đến. Có lẽ từng là giáo viên, hiệu trưởng nên lời lẽ, cách diễn đạt ngôn từ của Hà Mai Anh trong bản dịch này rất gần gũi, quen thuộc với học sinh.

Đã mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ đoạn trích trong sách tập đọc lớp 5: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! (…) Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát!”. Đây là lời răn của người cha đối với đứa con chểnh mảng việc học, mà cũng chính là những lời dặn dò của ba tôi khi người dạy tôi làm bài tập làm văn viết cảm nhận về đoạn văn này.

“Tâm hồn cao thượng” là những câu chuyện ngắn, những bức thư... lấy bối cảnh tại thành phố Torino của nước Ý vào những năm cuối thế kỷ XIX, về những người mộc mạc, bình thường, nhưng nhiều khi chuyện của họ rất đỗi phi thường. Này là chuyện người tù số 78 tỉ mỉ đẽo tặng người thầy dạy chữ của mình một chiếc bình mực bằng gỗ; một em bé can đảm liều thân cứu bạn; một cậu bé tự mình sang châu Mỹ để tìm mẹ; bạn Garrone thường xuyên giúp đỡ người khác; cậu bé nhà nghèo Coretti chăm học và luôn biết đỡ đần, giúp đỡ bố mẹ... cùng nhiều chuyện ứng xử tinh tế khác, thể hiện tấm lòng cao thượng của các nhân vật. Có những bài học về lòng yêu nước, lòng can đảm, lòng nhân ái, sự hy sinh và cả tính ích kỷ, hợm hĩnh... Hầu như chuyện nào cũng xúc động và đáng để suy ngẫm. Ở đó, tình yêu nước, tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè... luôn được thể hiện một cách cao đẹp, đáng để người đọc - cả người lớn và trẻ em - nhìn lại và điều chỉnh cách xử sự của mình trong cuộc sống. Các câu chuyện diễn ra từ tháng 10 đến tháng 7 trong 1 năm học đầy ắp sự kiện, rồi kết thúc bằng lời tạm biệt của Enrico gửi đến bạn bè, thầy cô và những cái cúi chào biết ơn sâu sắc nhất. Năm sau, bạn ấy cùng gia đình chuyển đến nơi ở mới nhưng chắc chắn trong trái tim Enrico, tất cả thầy cô, bạn bè đều có một vị trí riêng và nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện sẽ theo em đến cuối cuộc đời.

Tôi rất thích cách dạy con của ông bà Alberto, cha mẹ cậu bé Enrico Bottini. Mỗi lần Enrico có lỗi hoặc làm điều gì không phải, ông bà không la mắng mà chỉ nhẹ nhàng chỉ cho con biết, hoặc gửi một bức thư cho con. Trong thư, tấm lòng thương con bao la của người cha, người mẹ dịu dàng phân tích cho con hiểu và nhắc nhở cho con nhớ. Có lẽ mỗi lần như thế, Enrico đều được một bài học đáng nhớ và chắc suốt đời, cậu sẽ không tái phạm. Một lần Enrico vô lễ, có lẽ ông Alberto đã rất đau lòng khi viết những dòng này: “Enrico ơi! Chắc hẳn những bạn con như Corettti và Garrone không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã đối với cha con chiều qua. Con phải thề cùng mẹ rằng từ rày con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia - mà ngày ấy không thể tránh được - cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trăn trối. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tốt của con; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ vì muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc”. Hay nhẹ nhàng nhắc con về lòng nhân ái, bà Alberto đã viết: “Enrico của mẹ! Sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi! Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ…”.

Chỉ nói riêng về những dặn dò liên quan đến trường lớp, chúng ta cũng có thể đọc được nhiều câu từ thấm đẫm yêu thương. Nói về lòng biết ơn, ông Alberto gửi thư cho con trai: “Enrico ơi, con nhất định phải tôn trọng, yêu quý thầy giáo của mình, vì thầy là người đã hy sinh cả cuộc đời vì học trò, là người mở rộng cánh cửa trí tuệ cho học trò. Hãy yêu thương thầy giáo của con, còn bởi vì thầy cũng là người mà cha con kính yêu, là người cha của con ở trường...”. Trước ngày bế giảng năm học, bà Alberto đã gửi cho Enrico những dòng sau: “… Mẹ chắc con quyến luyến trường cũ, ở đấy ròng rã bốn năm, con đã vui vẻ làm việc mỗi ngày hai buổi, ở đây ngày nào con cũng trông thấy thầy ấy, bạn ấy, cũng trông thấy cha mẹ con đứng chỗ ấy đón con. Con sẽ nhớ trường cũ, ở đấy trí tuệ con đã được mở mang, ở đấy con đã kết giao được nhiều bạn tốt và ở đấy mỗi một lời nói là một điều ích lợi cho con. Hãy đem cái kỷ niệm ấy đi với con và để lời từ biệt chúng bạn với một mối nhiệt tình phát tự đáy lòng...”. Đã trải qua nhiều năm, tôi vẫn còn nhớ như in truyện “Cậu bé viết thuê thành Firenze” trong chương trình tiểu học, trích từ tập sách này. Câu chuyện đó nhắc nhở mỗi người về tinh thần vượt khó, yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì những người thân thương của mình…

Như lời nhà xuất bản: “Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở đầu đời về cha mẹ, về lòng yêu nước thương người, về tình thầy trò bè bạn... vẫn không bao giờ cũ, không bao giờ thừa”, vì vậy, “Tâm hồn cao thượng” luôn là quyển sách gối đầu giường, giúp định hướng cách hoàn thiện nhân cách và cách ứng xử cho nhiều thế hệ. Bởi vậy, trong nhà trường, thầy cô nên gợi mở để học sinh đọc, tìm hiểu và thực hành theo những bài học trong quyển sách “Tâm hồn cao thượng”, biến nó trở thành cuốn sách nằm lòng của mỗi học sinh. Đó là làm các bài tập, bài kiểm tra liên quan đến các câu chuyện trong tập sách; là các bài đọc thêm trong chương trình môn đạo đức; là các bài tập đọc của học sinh lớp 1, lớp 2; là các chuyện để trong sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa… Hay trong dịp đặc biệt nào đó, có thể tổ chức thi kể chuyện sách với các truyện trong tập sách, hoặc tìm hiểu về những bài học được nêu ra trong sách. Nếu được tổ chức khéo, hẳn không chỉ có những bài học ý nghĩa mà còn lắng đọng những cảm xúc trong sáng, góp phần hoàn thiện nhân cách cho mỗi học sinh!

Nguyn Minh Hi