Thứ bảy, 3/12/2016, 19h07

Tăng mức xử phạt vi phạm ATTP

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) là chuyện lâu dài, nhiều tập, khó có thể kết thúc ngay được. Nguồn sinh lợi kinh doanh từ thực phẩm không an toàn là quá lớn, trong khi mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Đại diện UBND TP và UBMTTQ TP ký kết chương trình phối hợp an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016-2020 tại hội nghị

Đó là một trong những nội dung chính mà Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh tại Hội nghị Ký kết chương trình phối hợp an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016-2020 giữa UBND TP và UBMTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức mới đây.

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP ở TP.HCM luôn được tăng cường, huy động sức mạnh liên ngành, triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thực hiện công tác này tốt hơn. Cụ thể như xây dựng và phát triển các mô hình về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, đánh bắt và nuôi thủy hải sản an toàn; xây dựng 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn… Ngoài ra, TP còn liên kết với một số tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm để kiểm nghiệm chặt chẽ nguồn thực phẩm này; Sở Công thương TP thực hiện quy trình gắn chíp vào heo để theo dõi... Đồng thời, TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý thực phẩm không an toàn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không nhãn mác…

Mặc dù vậy, việc thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang là vấn đề nhức nhối đối với người dân TP. Theo báo cáo của Sở Y tế, sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ở 5 quận, huyện và 10 phường, xã (từ tháng 11-2015 đến tháng 9-2016) cho thấy: trong số 3.968 cơ sở được thanh, kiểm tra thì có 2.163 cơ sở vi phạm (chiếm hơn 50%), phạt tiền 923 cơ sở với số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng. Trong thời gian triển khai thí điểm này, có 1 vụ ngộ độc xảy ra ở Q.Bình Tân làm 26 người bị ngộ độc; tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt về ATTP là 74/680 mẫu (chiếm 10,9%)...

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, TP đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về mức xử phạt phải đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP TP, đề xuất: Thanh tra, kiểm tra ở các xã, phường cũng được thu tiền phạt vi phạm hành chính như các địa phương thực hiện thí điểm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cũng nêu lên một số khó khăn sau khi thực hiện thí điểm này như: Lực lượng thanh tra, kiểm tra quá mỏng, chủ yếu tập trung ở TP còn tuyến phường, xã lại kiêm nhiệm trong khi tuyến này có nhiều cơ sở; Quy trình thủ tục kiểm tra còn phức tạp, nhiều biểu mẫu gây lúng túng cho công tác thanh tra…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ghi nhận các ý kiến và sẽ cân nhắc để sớm bổ sung vào nội dung, kế hoạch thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành ATTP trong giai đoạn 2016-2020. “Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP phải thường xuyên, quyết liệt hơn, nhân rộng hơn”, bà Thu nhấn mạnh.

Dương Bình