Thứ sáu, 17/11/2017, 09h55

Thành phố luôn tạo mọi điều kiện để thầy cô giáo sống được với nghề

Phó bí thư Thường trực Thành ủy thăm hỏi NGƯT, GS.TS Cao Minh Thì nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP

Sáng 17-11 Thường trực Thành ủy đã tổ chức buổi “Gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2017)”. Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo đã trao đổi, góp ý thẳng vào những vấn đề còn bất cập, hạn chế từ cơ chế, chính sách đến thu nhập từ lương đang làm cho đời sống giáo viên (GV) gặp nhiều khó khăn. Chính vì đồng lương không đủ sống khiến nhiều GV dù yêu nghề cũng khó gắn bó lâu dài hoặc cống hiến hết mình cho giáo dục. GV đang công tác thu nhập không cao, GV về hưu lại còn khó khăn hơn.

Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực; ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP; bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo; TS. Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP đồng chủ trì buổi gặp gỡ.

Tham dự buổi gặp gỡ có khoảng 300 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; cán bộ quản lý giáo dục từ ĐH tới phổ thông, giáo viên tiêu biểu qua các thời kỳ...

Thầy cô an tâm với nghề, giáo dục mới phát triển bền vững

TS. Võ Văn Sen dẫn chứng câu chuyện mấy chục năm trước của đất nước Hàn Quốc, ông kể: Hàn Quốc cách đây khoảng 30 năm gặp rất nhiều khó khăn trong xã hội nhưng mức lương cho GV được nước này đặc biệt quan tâm và dành những gì tốt nhất, thuận lợi nhất để GV của họ sống được bằng nghề . Chính điều đó đã làm cho GD Hàn Quốc phát triển và tạo ra một đất nước Hàn Quốc hiện đại ngày hôm nay. Ông cũng cho rằng thời cơ đã đến với TP, đó là cơ chế riêng nếu được Quốc hội thông qua, vì sau bao nhiêu năm dài vấn đề này của TP đã được đưa ra nghị trường Quốc hội nếu được phê duyệt TP sẽ có nhiều đột phá, trong đó có GD-ĐT. “Lãnh đạo TP cần chuẩn bị cho GD-ĐT TP những chương trình, dự án cụ thể để tận dụng thời cơ đang đến và chuẩn bị đến. Đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0!”- PGS.TS Sen đề xuất.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao đổi với một số thầy là hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP

Theo TS. Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT lại mong muốn, sự phát triển của GD-ĐT TP trong thời gian qua thể hiện rất rõ ràng, đó là quy mô trường lớp, chất lượng dạy và học… cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội. Rõ ràng, GD-ĐT TP làm cái gì cũng hay nhưng ngược lại, hỏi thầy cô giáo có sống được bằng lương hay không? Thì còn nhiều trăn trở. “Muốn giáo dục phát triển bền vững, phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý cho GV”, TS. Huỳnh Công Minh bày tỏ.

TS. Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP báo cáo tại buổi gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu

Trong công tác quản lý trực tiếp địa bàn, Th.S Phan Văn Quang - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình nêu thực trạng của địa phương mình khi cho biết, địa bàn quận còn một số khó khăn. HS học hai buổi/ngày nếu tình hình dân cư tăng cơ học như hiện nay, dù được xây dựng trường lớp nhiều cũng không đáp ứng được. Đó còn là việc, GV đa số đều có trình độ cao nhưng khi tuyển dụng viên chức, nhà nước lại tính mức lương cho GV theo bậc học mà GV đó giảng dạy.

PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP chia sẻ tại buổi gặp gỡ

Ví dụ cùng có trình độ thạc sĩ nhưng mức lương của GV tiểu học thấp hơn GV trung học. Còn một điều bất hợp lý nữa là chế độ - chính sách cho chuyên viên, cán bộ cấp Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Các cán bộ, chuyên viên ở Sở, Phòng GD-ĐT hầu hết được điều động từ GV giỏi, tâm huyết ở các trường về. Nhưng khi về Sở, phòng thì mất hết phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên… rất thiệt thòi". ThS. Quang mong TP cần đầu tư trường lớp tốt hơn; tiếp đó việc tuyển viên chức cũng là bài toán nan giải, TP cần xác định: ngành nào tinh giảm biên chế và ngành nào cần bổ sung.

TS. Huỳnh Công Minh mong muốn TP sẽ có cơ chế "đột phá" về chế độ, đãi ngộ cho thầy cô giáo của TP

Còn cô Mộng Thu (GV Trường THCS Lữ Gia, quận 11) có 3 vấn đề muốn gửi gắm tới các cơ quan báo chí để sao cho nghề dạy học thực sự là một nghề cao quý và thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Cô Thu dẫn dắt: “Trong xã hội có hai người thầy, đó là nhà giáo và thầy thuốc. Hai người thầy này luôn được xã hội đặc biệt quan tâm nên được xuất hiện thường xuyên trên báo, tốt có, hạn chế, tiêu cực có… khi được đọc những bài báo viết về tiêu cực của ngành hay của một hai thầy cô giáo nào đó, bản thân chạnh lòng. Nhưng cái gì cũng có hai mặt vấn đề, chúng ta cần công tâm với nhà giáo và thầy thuốc”.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ

Nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP băn khoăn: “Năm nào vào ngày 20-11, Hội cũng phải gửi thư ngỏ để xin kinh phí tổ chức gặp gỡ các thành viên. May là học trò của tôi hiện nay là hiệu trưởng của nhiều trường có “thương hiệu” của TP nên mới xin được”. Bà Thu mong muốn, ngoài chuyện TP chăm lo cho ngành, TP cũng phải quan tâm, chăm lo cho những thầy cô giáo đã nghỉ hưu. Vì với mức lương hưu như hiện nay, nhiều thầy cô giáo có cuộc sống rất khó khăn, không có nhà ở, con cái…

Thực hiện đổi mới mạnh mẽ giáo dục

Trước đó, báo cáo tại buổi gặp gỡ, TS. Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, thời gian qua, ngành GD-ĐT TP đã đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Cùng với tăng cường công tác GD toàn diện HSSV, ngành giáo dục TP đã đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TP luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà giáo sống được với nghề
Được mời phát biểu, TS. Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã dẫn lại câu nói: “Đọc tương lai của một Quốc gia khi nhìn vào cách cư xử của nhà nước đối với ngành giáo dục; đọc tương lai của nền giáo dục khi nhìn vào cách cư xử đối với nhà giáo. Tôi xin dừng tại đây, để cách vị lãnh đạo và đồng nghiệp suy nghĩ" - TS. Hùng bộc bạch.

Về định hướng phát triển của ngành, TS. Lê Hồng Sơn cho biết, ngành sẽ thực hiện đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, trong đó tiếp tục thực hiện các nội dung nghị quyết của Thành ủy chuyên đề về phát triển GD-ĐT TP, tích cực xây dựng “Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2030” nhằm đưa GD-ĐT TP tiếp cận GD tiên tiến khu vực và thế giới. Trong năm học 2017 - 2018, Sở tiếp tục tham mưu UBND TP phê duyệt để triển khai thực hiện 10 đề án, kế hoạch, chương trình, trong đó có đề án GD âm nhạc dân tộc trong trường phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng HSG TP góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc CNH-HĐH của TP; Đề án Xây dựng Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật của HS TP; Đề án Phân luồng HS sau THCS tại TP giai đoạn 2017 - 2020…​

Chia sẻ với những suy tư, trăn trở của nhà giáo, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang khẳng định: “Thực tế, từ sau khi có NQ 29 của Trung ương GD-ĐT cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều nội dung đổi mới, cách làm sáng tạo nhưng thực tế có những vấn đề vẫn còn gây ưu tư, lo lắng, thậm chí bức xúc của xã hội. Trong khả năng, quyền hạn của TP, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực xuất phát từ chủ quan và khách quan khiến GD phần nào trì trệ, thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế luôn có một khoảng cách”.

Nhiều chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên

Trao đổi với các đại biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, lãnh đạo TP luôn nhận thức đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Dù ngân sách TP đang gặp nhiều khó khăn nhưng TP vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Mỗi năm TP có hơn 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng. TP phấn đấu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. TP đã hoàn thành việc quy hoạch đất cho giáo dục tại tất cả 24 quận, huyện.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dân số cơ học tăng quá nhanh, trong đó năm 2015 tăng 85.000 học sinh, vì vậy nếu trường lớp xây dựng theo quy hoạch cũ sẽ không thể đạt mục tiêu đề ra. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi các ban ngành, nhất là chính quyền địa phương tích cực khảo sát, dành thêm đất cho giáo dục và đẩy nhanh xây dựng các trường học mới.

Về chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ CBQL, GV của ngành học MN; hỗ trợ viên chức y tế trong trường học… TP cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu TP về chính sách hỗ trợ GV dạy HS khuyết tật, GV kiêm nhiệm công tác GD công dân trong nhà trường. Sắp tới UBND TP sẽ đề xuất HĐND TP về chính sách hỗ trợ cho GV tiểu học đang công tác trên địa bàn TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho hay: “Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nhà giáo hôm nay rất có giá trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và điều hành của UBND TP. TP đang cần sự đóng góp về tư duy, trí tuệ, kiến thức và đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ nhà giáo TP”.

Đồng chí nhấn mạnh: “Mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là một sự nghiệp lớn lao mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu hết mình. Phát huy thế mạnh, nắm bắt thời cơ, nỗ lực thực hiện mới mong đạt được. Lãnh đạo TP rất tin tưởng và kỳ vọng đội ngũ nhà giáo TP sẽ tiếp tục tích cực đồng hành với quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TP bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân”.

Lê Quang Huy