Thứ năm, 11/5/2017, 22h00

Công nhận ĐH đạt chuẩn chất lượng

6 trường ĐH tại TP.HCM được công nhận chất lượng kiểm định, trong đó có 5 trường công lập và 1 trường ngoài công lập.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - phải) trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: T.Trân

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết điều này tại Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mới đây.

Cả nước có 30 trường đạt chuẩn chất lượng

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục với kết quả 53 trên tổng số 61 tiêu chí “đạt yêu cầu” (tỷ lệ 86%). Trước đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục, trở thành trường ngoài công lập thứ 2 trên cả nước đạt chứng nhận này. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thực hiện hoạt động tự đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục cấp cơ sở giáo dục chu kỳ 2 giai đoạn 2011-2016 theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ GD-ĐT ban hành. Kết quả trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục với tỷ lệ khá cao là 88%.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa thống kê, đến nay cả nước có 33 trường được đánh giá ngoài, trong đó Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện kiểm định, đánh giá 14 trường. Và trong số 30 trường hiện được công nhận chất lượng kiểm định trên cả nước thì Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TP.HCM đã công nhận 12 trường, mỗi đợt có 6 trường.

Cụ thể, 6 trường được công nhận đợt này có 5 trường công lập (gồm ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) và 1 trường ngoài công lập là ĐH Nguyễn Tất Thành. Hiện khu vực phía Nam, Trường ĐH Tiền Giang cũng đang trong quá trình đánh giá ngoài, kế đến, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng chuẩn bị bước vào kiểm định.

“Kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khi các trường thực hiện tự chủ, việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng để người học biết và lựa chọn vào học là hết sức cần thiết. Chất lượng giáo dục là vấn đề cốt lõi, là yếu tố sống còn của một trường ĐH trong bối cảnh cạnh tranh lành mạnh để phát triển”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói.

Theo ông Nghĩa, hoạt động kiểm định chất lượng đã được thế giới lẫn khu vực Đông Nam Á thực hiện từ rất lâu và khoảng 30 năm gần đây, công tác kiểm định được tiến hành rầm rộ. Với Việt Nam, ngay trong Luật Giáo dục 2005 (tức cách đây 12 năm) đã đưa nội dung kiểm định vào, trong đó nêu công tác kiểm định chất lượng là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ hoàn thành, mức độ đạt được về mục tiêu, nội dung, chương trình của trường ĐH cũng như chương trình giáo dục. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng nhấn mạnh về công tác chất lượng, trước đây, cả nước cũng đã làm và cũng đã có 20 trường được công bố đạt chuẩn chất lượng. Hiện nay, công tác kiểm định chất lượng đã được chuẩn hóa hơn nhiều so với trước.

Kiểm định để người dân biết chất lượng đào tạo

Dự kiến trường sẽ công bố kết quả kiểm định (do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TP.HCM tiến hành) vào ngày 20-5 tới, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, công tác kiểm định chất lượng trường hết sức quan trọng, giúp người học có kênh thông tin để lựa chọn trường tin cậy. Việc kiểm định chất lượng cũng là xu hướng của thế giới, giúp các trường dễ dàng trong hội nhập quốc tế hơn.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, kiểm định chất lượng mới chỉ là bước khởi đầu cho việc khẳng định chất lượng đào tạo của trường trước người học và nhà tuyển dụng. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục tiến hành kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN - QA, tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ… để khẳng định thương hiệu hơn nữa, tạo ra những sản phẩm đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã nhấn mạnh, để người dân biết được chất lượng đào tạo của trường thì tất cả các trường trong hệ thống phải được đánh giá, kiểm định bằng một thước đo chung. Kiểm định chất lượng được thực hiện theo quy trình và bộ tiêu chí nghiêm ngặt, không phân biệt trường công hay tư. Việc này tuy mới mẻ ở nước ta nhưng đã quen thuộc ở các nước phát triển. Trường đạt chuẩn chất lượng sẽ tạo giá trị khác biệt ở bằng tốt nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên.

Thục Trân