Thứ bảy, 27/8/2016, 21h51

Thí sinh trúng tuyển tìm cách “đánh tháo”

Chẳng những thưa vắng thí sinh đăng ký xét bổ sung, nhiều trường ĐH còn phải đối mặt tình trạng thí sinh đã nhập học lại xin rút phiếu điểm để xét tiếp.

Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngày 27-8. Ảnh: M.Tâm

Những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, các trường cho biết vẫn không thấy thí sinh đâu.

Ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Thủy lợi tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh đến nộp vẫn chưa đủ so với chỉ tiêu tuyển thêm. Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Điền (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết trường đã thu được 540 hồ sơ trong tổng số 820 chỉ tiêu tuyển bổ sung.

Ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT) cho biết với những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 xét tuyển, nếu rút hồ sơ, Bộ GD-ĐT không mở dữ liệu cho những thí sinh này. Do đó, không một thí sinh nào có thể rút lại hồ sơ để nhập học chỗ khác.

Trong đợt xét tuyển bổ sung, một vấn đề khác khiến các trường cũng rất đau đầu đó là thí sinh đến xin rút phiếu chứng nhận kết quả thi. Kết thúc đợt 1, 18 trường khối quân đội thông báo tuyển bổ sung 1.000 chỉ tiêu hệ quân sự. Điều này đã tác động mạnh đến những thí sinh đã trúng sơ tuyển vào khối ngành quân sự nhưng không đủ điểm xét tuyển đợt 1. Các thí sinh bắt đầu đến các trường ĐH đã trúng tuyển đợt 1 để rút hồ sơ. Ông Điền cho biết vì rất nhiều thí sinh trượt… quân đội đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nên những ngày qua, một số thí sinh đến xin rút phiếu chứng nhận kết quả thi. “Tuy nhiên, việc rút phiếu chứng nhận kết quả thi của thí sinh không giải quyết được vấn đề gì. Vì dữ liệu của các em khi đưa lên mạng đã được Bộ GD-ĐT vô hiệu hóa. Do đó, nếu rút ra, các em sẽ rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi trở lại mắc sông” rồi cuối cùng không trúng tuyển trường ĐH nào”, ông Điền khẳng định.

Ông Điền cũng cho biết rất nhiều phụ huynh đến trường đòi rút phiếu chứng nhận kết quả thi, khi được thông báo nếu trường muốn đến từ chối nhận, phụ huynh cũng không được quay lại “bắt đền” trường thì các phụ huynh lại “giãy nảy” không đồng ý. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cũng có một số trường hợp đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường quân đội. Ông Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết đến nay, nếu trường cho rút hồ sơ thì chỉ giải quyết được về mặt hình thức, còn mã tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT đã nắm. Việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng hay không là quyền của bộ. Nhà trường đã tư vấn cho các em về lợi, hại khi rút hồ sơ bởi quy tắc chung của Bộ GD-ĐT là thí sinh không được thay đổi nguyện vọng khi đã đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ trúng tuyển.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở một số trường ĐH khu vực phía Nam. Nhiều trường ĐH lớn, trong đó có cả trường công do không tuyển đủ nguyện vọng 1 đã đột ngột hạ điểm chuẩn xét tuyển bổ sung dẫn đến việc một lượng không nhỏ thí sinh đã trúng tuyển và nhập học vào nhiều trường vẫn đến xin rút phiếu điểm tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác.

Sáng 27-8, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, một phụ huynh đến đề nghị rút giấy chứng nhận kết quả thi nhưng không được đã có phản ứng gay gắt. Theo vị phụ huynh này, ngành yêu thích của con bà tại một trường ĐH khác đang hạ điểm chuẩn xét nguyện vọng bổ sung, do vậy con bà có nguyện vọng rút phiếu điểm để chuyển sang tìm kiếm cơ hội học tập. Khi không rút được, phụ huynh này đã khó chịu và dùng những lời lẽ nặng nề.

ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết từ đầu đợt xét bổ sung đến nay, đã có khoảng 40 trường hợp thí sinh (đã nhập học) đến đề nghị rút giấy chứng nhận kết quả thi để nộp sang trường khác. Đến nay tại trường đã có 800 thí sinh đăng ký xét bổ sung. Dù chỉ tiêu xét bổ sung chỉ 600 nhưng theo ông Sơn, trường cần đến 1.200 hồ sơ đăng ký vào mới đảm bảo “an toàn” do độ ảo lớn.

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 159 trường ĐH thông báo tuyển bổ sung hàng chục ngàn chỉ tiêu. Tuy nhiên, cho đến giờ số lượng hồ sơ đăng ký về các trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu bổ sung. Điều này khiến tất cả các trường đặt câu hỏi: thí sinh đang ở đâu?

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đến nay đã nhận được 1.400 hồ sơ đăng ký xét bổ sung. So với chỉ tiêu 1.600, con số này cũng tương đối nhiều. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh - truyền thông nhà trường), tốc độ nộp rất chậm, lượng đăng ký mỗi ngày rất thưa thớt.

Tương tự, ThS. Trần Kim Phước (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) bày tỏ, trường hiện rất lo lắng khi lượng thí sinh đăng ký xét bổ sung vào rất ít trong khi ở đợt xét chính nguyện vọng 1 trường gần như đã “trắng” thí sinh rồi. Đến nay, khoảng 40% chỉ tiêu đã có thí sinh nhập học, chủ yếu bằng hình thức xét học bạ. Hiện trường đang tiếp tục xét trên 600 chỉ tiêu bổ sung.

Ở bậc CĐ, lượng hồ sơ còn thưa thớt hơn nhiều. ThS. Mai Đức Toàn (Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường CĐ Bách Việt) cho biết trường mới chỉ nhận được hơn 100 hồ sơ xét bổ sung ở cả 2 hình thức thi THPT quốc gia và học bạ. Có rất nhiều ngành nhưng thí sinh đăng ký nhiều nhất vào 2 ngành công nghệ thực phẩm và nhà hàng khách sạn. Hiện trường đang tiếp tục xét 960 chỉ tiêu.

Mê Tâm - Thiên Lam