Thứ tư, 15/4/2009, 08h04

Thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL

Sĩ tử băng đồng, vượt ruộng đến trường thi

Dãy phòng học cũ kỹ ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi theo cụm trường và thực hiện chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành lân cận… Sự thay đổi này là tiền đề để nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến tới tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với học sinh ở ĐBSCL do những khó khăn khách quan, vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng…
Nhà của em Lâm Thị Hồng Phượng (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, Cần Thơ), ở ấp Trường Khánh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cách Trường THPT Thới Lai hơn 10 km. Mỗi ngày, Phượng thức từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đến trường. Hầu như hôm nào học buổi chiều, Phượng cũng ở lại trường vào giờ nghỉ trưa. Phượng kể: “Hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên ba mẹ không có điều kiện cho em ra Thới Lai ở trọ. Em phải đi đi về về hằng ngày, rất mệt”. Ở Trường THPT Thới Lai, có không ít hoàn cảnh như Hồng Phượng. Các học sinh này đang rất băn khoăn trước thông tin năm nay sẽ thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Hà Huy Giáp bởi quãng đường từ nhà đến hội đồng thi sẽ tăng thêm hàng chục cây số trên những con đường gồ ghề, bùn đất nhão nhẹt…
Với nhiều gia đình, 100 - 200 ngàn đồng để ở trọ, cơm nước trong 3 ngày thi chẳng đáng là bao nhưng ở các xã vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL số tiền này không phải nhỏ. Hồng Phượng lo lắng: “Thấy nhà ở xa chỗ thi quá, em có xin bà nội cho ở trọ vài ngày để đi thi nhưng nội nói vừa lo tiền ăn vừa lo tiền ở trọ nữa là nặng lắm”. Thầy Nguyễn Như Ri, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cũng chia sẻ: “Có thông tin học sinh Trường THPT Thới Lai và học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp sẽ thi tốt nghiệp chung tại hội đồng thi Trường THPT Hà Huy Giáp. Hai trường cách nhau khoảng 17km, đường lại hẹp. Mặc dù tuyến đường này có xe buýt nhưng chỉ một vài chuyến. Tại thị trấn Cờ Đỏ, nhà trọ không nhiều làm sao đáp ứng nhu cầu cho gần 600 học sinh của Trường THPT Thới Lai”.
Tương tự, hoàn cảnh của Lại Chí Thiện (học sinh Trường THPT Phan Văn Trị) nhà ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Do huyện Phong Điền chỉ có 1 trường THPT nên nếu tổ chức thi theo cụm, học sinh của trường phải ra tận Cái Răng hoặc Ninh Kiều dự thi. Quãng đường này hơn 20km. Ông Lại Văn Hào, ba của Thiện, băn khoăn: “Tôi bệnh suốt nên không thể chở con đi thi được. Cháu chưa đi xa lần nào nên tôi rất lo, không dám cho cháu đi thi một mình. Vả lại những ngày thi là mùa mưa nên đường sá rất trơn trợt, lại phải băng qua những cánh đồng mà cháu thì chưa đi lần nào nên thật là lo ngại biết chừng nào”.
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, mỗi cụm thi có ít nhất 3 trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh sẽ tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn - những nơi có điều kiện tốt hơn để dự thi. Trường hợp đặc biệt là những trường ở vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức cụm 2 trường - các sở GD-ĐT phải báo cáo để xin ý kiến Bộ.
Năm 2009, Bộ GD-ĐT tiếp tục bố trí lực lượng thanh tra Bộ ở các cụm thi. Bộ cũng sẽ huy động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi, nhất là đối với những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc chỉ tổ chức cụm thi có 2 trường.
Tính riêng TP Cần Thơ thì hiện có 23 trường THPT. Trong đó, các trường chủ yếu tập trung ở quận, khu vực trung tâm. Các huyện vùng sâu đi lại khó khăn, xa xôi lại ít trường. Chẳng hạn, toàn huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 2 trường THPT đặt tại thị trấn Thạnh An. Nếu phải lập thành cụm 3 trường, học sinh Vĩnh Thạnh sẽ thi cùng học sinh huyện Thốt Nốt. Như vậy, nhiều học sinh ở xã Thạnh An, Thạnh Thắng… phải đi hơn 50 km trên những con đường quê hoặc qua những đồng ruộng heo hút mới đến được hội đồng thi!
Chắc chắn rằng bước đầu thực hiện, những cách làm mới này sẽ gây không ít băn khoăn, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương, các đoàn thể cùng chung tay giải quyết các mối lo này, học sinh sẽ có điều kiện thi cử tốt để đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, nếu Bộ GD-ĐT có giải pháp kiểm tra chặt chẽ việc chấm chéo, không để tâm lý cục bộ địa phương hoặc “dĩ hòa vi quí” gây ảnh hưởng tiêu cực thì sẽ giải tỏa được sự căng thẳng không cần thiết cho giáo viên, học sinh trước kỳ thi.
Thái Hải