Thứ bảy, 21/4/2018, 20h45

TP.HCM: Cần sử dụng năng lượng thông minh

“Khi xây dựng, phát triển TP.HCM thành TP thông minh thì việc sử dụng năng lượng thông minh là một trong các trụ cột để hướng tới đô thị thông minh, đảm bảo nguồn năng lượng cho TP phát triển bền vững”. GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho TP.HCM”.

Năm 2018, TP.HCM bắt đầu triển khai các hạng mục quan trọng trong đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Buổi tọa đàm đã mang đến các tham luận phân tích về các mô hình xây dựng TP thông minh phù hợp nhất với tình hình phát triển của TP.HCM, từ khía cạnh phát triển năng lượng. Đồng thời mở ra các thảo luận giữa các chuyên gia về năng lượng, doanh nghiệp và người dân TP trong việc xây dựng một cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Nguyễn Phương Duy - Sở Công thương TP.HCM - cho biết, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại TP.HCM là rất lớn. Chỉ tính riêng năng lượng điện bình quân mỗi năm là 22 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 15% so với cả nước.

“Với nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn như vậy trong khi nguồn điện cung cấp cho cả nước luôn đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt, TP đã triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo như máy nước nóng năng lượng mặt trời, nguồn phát điện năng lượng mặt trời vẫn chưa thật sự phát triển, do giá thành đầu tư còn cao trong khi giá bán điện chưa được Nhà nước hỗ trợ”, ông Duy chia sẻ.

Mang đến buổi tọa đàm những giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo cho đô thị Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Ngân - Giám đốc thương hiệu Solar BK - nhấn mạnh, những giải pháp này hoàn toàn có thể thành công tại TP.HCM do đặc thù TP có những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý, định hướng phát triển, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, chỉ số nắng cao thuận lợi để phát triển điện năng lượng mặt trời. Một TP thông minh thì cần sự bền vững với việc tập trung vào năng lượng sạch cùng các kế hoạch môi trường. Có nhiều nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, thủy điện, năng lượng gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học. Trong đó, năng lượng mặt trời có thể ứng dụng cho nhiều đối tượng, quy mô, với thiết kế đa dạng như đèn pin, ba lô, vali, trạm sạc điện di động, đèn vườn, lọc nước, dù che, hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái…

Đưa ra đề xuất phủ xanh TP, tăng cường sử dụng pin năng lượng để tiết kiệm năng lượng, ông Đỗ Hữu Nhật Quang - Giám đốc Công ty tư vấn Công trình xanh GreenViet - cho rằng, TP cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tiết kiệm năng lượng như giảm thiểu nhu cầu, sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo…

Yến Hoa