Thứ năm, 14/9/2017, 23h18

TP.HCM: Phải trở thành trung tâm giống cây của vùng

“TP.HCM nằm trong vựa trái cây, lúa. Vì vậy vai trò của TP thể hiện ở việc sản xuất giống chất lượng, kháng dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Bí thư Thành y Nguyn Thin Nhân tham quan sn phm ging cây trng trưng bày ti hi thoẢnh: Q.Huy

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội thảo: “Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp (NN) TP trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất NN các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ”, do Sở NN-PTNT tổ chức sáng 14-9.

Theo Bí thư Thành ủy, NN hiện chiếm chưa đến 1% trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa TP.HCM với 1 triệu người tham gia. Tuy nhiên, đánh giá NN TP không phải dựa vào giá trị mà cần coi sự phát triển NN đóng góp vào sự phát triển của vùng Đông và Tây Nam Bộ. TP có chương trình phát triển giống cây - con từ năm 2005.

Theo báo cáo năm 2015, chương trình rau an toàn TP có 14.500 ha, giá trị sản xuất mỗi ha là 82 triệu đồng; cây - hoa kiểng là 2.500 ha, giá trị sản xuất 328 triệu đồng. Tuy tạo ra các loại giống cho năng suất cao nhưng sự phát triển còn chậm.

Bí thư Thành ủy cho rằng, NN TP phải gắn với nghiên cứu khoa học. TP có năng lực về sản xuất giống nên cần có ngành nghiên cứu giống cây đặc thù. TP phải phát triển thành trung tâm giống cây của vùng, thể hiện thông qua thị phần cung ứng giống cho các tỉnh phía Nam. Ví dụ, đối với giống rau - hoa, TP phải đáp ứng đủ nhu cầu khi vùng sản xuất Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ cần.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Dương Hoa Xô cho biết: sản phẩm NN dựa trên các giống mới ngày càng phong phú phục vụ cho nhu cầu không chỉ của TP.HCM, khu vực mà còn giúp cho sản phẩm NN ngày càng có giá trị gia tăng cao; phù hợp với kinh tế NN đô thị và góp phần cho ngành NN TP hàng năm có mức tăng 5,5% và giá trị sản xuất NN đạt 410 triệu đồng/ha năm 2016.

Tại hội thảo, các chuyên gia NN cũng chỉ ra những điểm yếu của nền NN nước nhà. Đó là phải nhập khẩu ngay cả những giống cây mà ta hoàn toàn có thể tự sản xuất nếu được đầu tư một cách thích đáng như lúa, ngô, dưa hấu, đậu bắp. Tiếp đó là về giống cây ăn trái, khả năng nghiên cứu hiện nay còn yếu. Có những giống địa phương, cổ truyền, chất lượng tốt, chiếm lĩnh cả các thị trường nước ngoài như sầu riêng, xoài cát, bưởi da xanh lại chưa được lai tạo nhiều, chưa có mô hình sản xuất lớn. 

Do đó, phát triển NN TP nhanh, mạnh trở thành trung tâm cung cấp giống cho cả vùng theo hướng công nghệ cao là tất yếu và có thể làm được. Song, trước hết TP phải sử dụng hết “chất xám” của các nhà khoa học; phải đầu tư cho các nhà khoa học để họ cho ra những nghiên cứu có giá trị thực tiễn. Có được giống tốt rồi thì phải nhân rộng, phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa hoặc xuất khẩu, như vậy mới có nền NN công nghệ cao...

Quang Huy