Thứ sáu, 31/3/2017, 11h33

TPHCM tổ chức sắp xếp lại chợ tạm

Sáng nay 31-3, phát biểu tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TPHCM quý I-2017, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các quận huyện trên địa bàn TPHCM phối hợp với Sở Công thương TPHCM tiến hành tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn.

TPHCM tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn.

Phải thăm dò ý kiến dân khi quy hoạch chợ

“Sở Công thương và các quận huyện phải cố gắng sắp xếp lại vì hoạt động của các chợ này đang ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đô thị”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và đồng thời dẫn chứng khu chợ tạm trên đường 145 thuộc địa bàn quận 9 buổi sáng chợ hoạt động tràn ra đường nên không còn lối cho giao thông. “Đây chỉ là 1 ví dụ, hiện trên địa bàn TPHCM còn rất nhiều chợ tạm, tự phát hoạt động trên lòng đường, vỉa hè”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng lưu ý, tiến hành tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm chứ không phải dọn dẹp vì đằng sau đó là cuộc sống của người dân cũng như thói quen mua bán của người dân. Việc tổ chức chợ mới chưa chắc người dân đã vào bán hay vào mua nên trong quá trình quy hoạch sắp xếp chợ tạm phải tổ chức thăm dò ý kiến của người dân.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, toàn địa bàn TPHCM có 45 chợ tạm và 228 điểm buôn bán, kinh doanh tự phát trên lòng đường, vỉa hè.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung cho rằng, tình trạng buôn bán gia súc, gia cầm trái phép ngày càng tràn lan tại các chợ tự phát trên địa bàn TP. Hoạt động các điểm kinh doanh gia cầm sống rất công khai. Người bán còn tổ chức nấu nước sôi giết mổ tại chỗ rất nguy hiểm về an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Phước Trung đề xuất sở ngành, quận huyện đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, sắp xếp chợ tự phát, chợ tạm.

TPHCM hiện có 45 chợ tạm và 228 điểm buôn bán, kinh doanh tự phát trên lòng đường, vỉa hè. 

Kinh tế TPHCM tăng trưởng 7,46% trong quý 1

Kinh tế TPHCM qua 3 tháng đầu năm 2017 tiếp tục có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ thông qua các yếu tố tác động tích cực như tổng vốn đầu tư xã hội, lượng doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, huy động vốn qua ngân hàng đều tăng.

Theo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM quý 1-2017, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP quý 1 đạt 7,46%, đầu tư toàn xã hội tăng 7,8%, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao đến gần 62%, vốn đầu tư nước ngoài vào TP gần 57% và huy động vốn qua ngân hàng tăng 11,1%, dư nợ cho vay tăng gần 20%.

Tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, TPHCM đã thu hút được lượng vốn FDI gần 575 triệu USD, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực thông tin truyền thông, buôn bán, công nghiệp chế biến...từ các nhà đầu tư Malaysia, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan…

Lượng doanh nghiệp mới tăng, đầu tư khả quan kéo theo mức tăng nguồn thu ngân sách của TP quý 1 tăng gần 19% so với cùng kỳ, với tổng thu ngân sách khoảng 86.600 tỷ đồng. Trong đó, các khoảng thu chính như thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng so cùng kỳ.

Ngoài ra, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP trong quý 1 tiếp tục ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, khách hàng và người dân. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến cuối tháng 3 đạt 1.795.200 tỷ đồng, tăng 1% so cuối năm 2016 và tăng 11,1% so cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP ước đến cuối tháng 3 đạt 1.518.200 tỷ đồng, tăng 3% so cuối năm 2016 và tăng 19,15% so cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu của TP cũng khả quan trong những tháng đầu năm với tổng kim ngạch đạt 7,7 tỷ USD, tăng 10,6% so cùng kỳ; một số thị trường xuất khẩu tăng nhanh như Myanmar (tăng gần 350%), Singapore (tăng gần 138%), Tây Ban Nha (tăng 100%), Thái Lan (tăng gần 95%), Malaysia (tăng gần 89%), Trung Quốc (tăng gần 42%).

VÂN ANH (SGGP)