Thứ bảy, 14/7/2018, 20h06

Triển khai Thông tư 15/2018/TT-BYT: Người bệnh lo ngại bị giảm thời gian khám

Ngày 15-7-2018 Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực. Theo đó điều chỉnh giá nhiều dịch vụ y tế, trong đó có không ít dịch vụ giảm giá. Tuy nhiên người bệnh lại lo ngại thời gian khám sẽ bị cắt giảm...

Bệnh nhân và người nhà tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: T.Th

Áp lực về lượt khám, thời gian chờ đợi

Sáng 14-7, tại BV Ung bướu TP.HCM, ông B.H.Đ (60 tuổi, cán bộ hưu trí ngụ tỉnh Long An), hiện đang chăm sóc người thân tại Khoa Nội nhi, cho biết, so với Thông tư 37 của Bộ Y tế trước đó thì Thông tư 15 dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, điển hình như 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm giá từ 5 đến 24% gồm giá khám bệnh, giá ngày giường, giá các loại kỹ thuật xét nghiệm, chụp chiếu. “Đa phần các dịch vụ được giảm giá đều là dịch vụ thông dụng đối với người bệnh khi đến cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người bệnh có nhiều cơ hội được khám chữa bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, giảm thiểu chi phí trong quá trình điều trị”, ông Đ. nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì Thông tư 15 lại điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ y tế (như: giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu); hạn chế quyền lợi, tăng chi phí đối với những người bệnh trong trường hợp nguy cấp.

Ngoài ra, đối với quy định các bàn khám trên 65 lượt khám/ngày,  BHYT chỉ thanh toán 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên. Trong thời gian tối đa 1 quý, vẫn còn có bàn khám trên 65 lượt/ngày thì BHXH sẽ không thanh toán tiền khám bệnh đối với lượt khám từ thứ 66 trở lên/bàn. Như vậy, đối với những người bệnh có lượt khám từ 66 trở lên quyền lợi sẽ bị thiệt thòi.

“Với người bệnh, cần có sự công bằng và công khai trong quá trình đến cơ sở y tế, không thể phân biệt số lượt để giảm quyền lợi”, ông Đ. bức xúc.

Sau nhiều lần tiếp nhận thông tin từ các báo đài, bệnh nhân N.T.S (39 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM - đã 2 năm điều trị ung thư vú tại BV Ung bướu TP.HCM), cho biết, so với Thông tư 37 chỉ quy định khám 50 bệnh nhân/bàn/người thì Thông tư 15 điều chỉnh tăng lên đến 65 lượt khám/bàn/người. Điều đó có nghĩa là thời gian chờ đợi của người bệnh cũng tăng, ngược lại thời gian khám của mỗi bệnh nhân có nguy cơ giảm xuống.

“Thời gian khám của mỗi người bệnh ít hơn thì bác sĩ sẽ khám một cách qua loa, đại khái, thiếu trách nhiệm… Người bệnh đã khổ, BV là nơi “bấu víu” cuối cùng nhưng nếu khám chữa bệnh không đến nơi đến chốn thì tội cho chúng tôi lắm”, bệnh nhân S. tâm tư.

Cũng không ngoài lo lắng bị giảm thời gian khám, anh T.H (45 tuổi, ngụ Tây Ninh, đang chăm sóc vợ tại Khoa Sản BV Nhân dân Gia Định), cho hay, đối với nhiều cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải, hoặc thiếu hụt nguồn nhân lực, các bác sĩ phải thăm khám số lượng lớn bệnh nhân thì dễ dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm, hoặc phát sinh những tiêu cực.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người bệnh

Trả lời về những lo lắng của người bệnh, BS.CKII Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM - cho biết, tại BV Ung bướu, hiện mỗi ngày có khoảng 2.500 lượt bệnh nhân đến khám, 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú. Đồng thời BV cũng đang quản lý khoảng 9.000 bệnh nhân ngoại trú, 75% trong số đó là bệnh nhân đến từ các tỉnh. Nhiều năm nay, BV đã áp dụng các biện pháp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, giúp người bệnh bớt vất vả vì phải chờ đợi lâu. Ví dụ: BV triển khai khám bệnh sớm từ lúc 5 giờ, khám cả ngày nghỉ; áp dụng CNTT trong khám chữa bệnh giúp người bệnh lấy số khám bệnh sớm ngay tại nhà (qua Tổng đài 1080, Tổng đài 8088). Ngoài ra, BV đã đưa vào sử dụng Khoa Nội Ung bướu vệ tinh 150 giường tại Q.2. Hiện tại đang xây dựng cơ sở 2 hiện đại 1.000 giường tại Q.9. Với những giải pháp hiện tại, bước đầu sẽ giải quyết được tình trạng quá tải tại BV, giảm chờ đợi và giúp người bệnh được thoải mái hơn.

Xung quanh Thông tư 15, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm đảm bảo thanh toán dịch vụ phù hợp với chất lượng điều trị và đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT. Theo đó, việc Thông tư 15 được triển khai yêu cầu các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh, phần nào sẽ giảm được tình trạng khám bệnh qua loa vì phải hạn chế số lần khám bệnh/ bàn khám. Đối với những cơ sở y tế có số lượng khám bệnh lớn, thường xuyên vượt quá số lượt khám/bàn thì phải bố trí thêm bàn khám phù hợp, bổ sung nhân lực để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Cũng theo bà Huyền, bên cạnh nhiều điểm tích cực, Thông tư 15 vẫn còn một số quy định chưa hợp lý, trong thời gian tới BHXH sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Thương Thương