Thứ năm, 12/11/2015, 22h30

Triệt tiêu mũ bảo hiểm kém chất lượng, cách nào?

Thị trường MBH bát nháo khiến người dân khó phân biệt thật, giả

Sau hơn một năm thực hiện hàng loạt biện pháp kiểm soát, chế tài các đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng trên địa bàn TP.HCM, mới đây ngành chức năng lại phát hiện và thu hồi hàng ngàn MBH kém chất lượng, giả mạo thương hiệu. Tình trạng này đang làm đau đầu cơ quan chức năng, các nỗ lực được tiến hành ráo riết để khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.

Đau đầu với MBH dỏm

Theo thông tin Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, vào cuối tháng 10 vừa qua đơn vị này đã kiểm tra, phát hiện và tạm giữ khoảng 3.000 MBH của hai cơ sở sản xuất MBH Tấn Lộc và Trí Liễu (Q.8) để giám định chất lượng và làm rõ vi phạm do nghi vấn giả mạo thương hiệu nổi tiếng, kém chất lượng. Bên cạnh đó, chi cục cũng xử phạt 37,5 triệu đồng đối với hai cơ sở thuộc Q.Tân Phú gồm cơ sở Sóng Hùng (nhãn hiệu Napoli) do không có chứng nhận hợp quy, phạt 27 triệu đồng với Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng vì sản xuất MBH không đạt chất lượng, gia công hàng giả mạo. Chi cục cũng buộc thu hồi các sản phẩm MBH mang nhãn hiệu VP Bank và Honda Thành Phát do công ty sản xuất.

Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trên cho thấy nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc lập lại trật tự kỷ cương của hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH trong thời gian qua theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông và Kế hoạch số 69/KH-UBATGTQG ngày 18-4-2014 của Ủy ban ATGT quốc gia về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, thực tế cho thấy tình trạng MBH kém chất lượng và hàng nhái vẫn được bày bán công khai, tấp nập ở vỉa hè, lòng đường trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương (Q.5), Công viên Phú Lâm (Q.6), Điện Biên Phủ (Bình Thạnh)… với giá rẻ 30.000-80.000 đồng mà vẫn có người mua.

Một trong những nguyên nhân khiến MBH kém chất lượng, hàng nhái xuất hiện theo một nhân viên bán hàng tên H. tại một cửa hàng trên địa bàn Q.5 là do “có cầu có cung”. Chị H. khẳng định đa phần người mua MBH thường quan tâm đến màu sắc, kiểu dáng và “giá mềm”, chứ không đòi hỏi mũ có dấu hợp quy, thương hiệu uy tín, thậm chí có người còn chọn mua mũ có xốp mỏng dính đội cho nhẹ đầu. Theo chị Hằng, điều đáng nói hiện nay là mũ kém chất lượng không chỉ bán ở vỉa hè, mà còn tràn vào một số cửa hàng vốn trước đây chỉ bán sản phẩm tốt. “Cũng do người dân không biết thế nào là một chiếc MBH đạt chuẩn và ngay cả CSGT cũng còn không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả thì chẳng có ai sợ gì. Cứ bán, cứ mua và cứ vô tư sử dụng”.

Cần những giải pháp

Nhằm góp phần triệt tiêu các nguồn MBH kém chất lượng trên thị trường, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, khẳng định ngoài các chế tài nặng, cũng nên công khai các cơ sở sản xuất, mua bán, kinh doanh MBH kém chất lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng về nguồn gốc các sản phẩm chất lượng, uy tín giúp họ có thể lựa chọn những sản phẩm tốt nhất.

Để công tác quản lý chất lượng của các loại MBH ngày càng hiệu quả, kế hoạch của Bộ Công thương trong thời gian tới là sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH và xử lý nghiêm, triệt để nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh để không xảy ra tình trạng tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần. Bên cạnh đó, bộ cũng chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phụ trách địa bàn, chú trọng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không bảo đảm chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; các điểm bày bán trên lòng đường, vỉa hè, các tuyến phố…

Được biết vào ngày 11-9 vừa qua, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng đã có Công văn số 513/TCCL-TC1 về việc lấy ý kiến cho dự thảo về MBH trên cơ sở dự thảo đề nghị của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Dự kiến hiệu quả khi đưa vào áp dụng sẽ tháo gỡ các vấn đề kỹ thuật của tiêu chuẩn MBH TCVN 5756:2001 và TCVN 6979:2001 đã tồn tại từ năm 2001 đến nay. Theo đó, các quy định mới của tiêu chuẩn này sẽ giúp nhà sản xuất có cơ sở kỹ thuật để thiết kế, sản xuất MBH phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, đồng thời giúp xác định, phân loại các nhà sản xuất phù hợp yêu cầu kỹ thuật và các cơ sở sản xuất chưa phù hợp. Mặt khác, tiêu chuẩn soát xét cũng giúp các cơ quan quản lý, các tổ chức trong việc đánh giá chính xác các cơ sở sản xuất, sản phẩm, kiểm tra và thanh tra MBH trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Theo quy định, người tham gia lưu thông đội MBH không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như các hành vi không đội MBH hoặc không cài quai mũ đúng quy cách với mức phạt 100.000-200.000 đồng.