Thứ ba, 11/4/2017, 21h09

Trọn một tình yêu với học sinh khiếm thị

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với việc làm cụ thể vì người khác, thầy Đỗ Minh Hoàng Đức (sinh năm 1976, TP.HCM) đã từ chối công việc với thu nhập vài chục triệu đồng/ tháng để có thời gian chia sẻ một phần khó khăn với học sinh (HS) khiếm thị. Và gần 20 năm qua thầy Đức vẫn lặng lẽ với công việc ấy...

Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức và các học trò khiếm thị

Từ quyết định “không giống ai”

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM Khoa Giáo dục tiểu học và có trong tay chứng chỉ kỹ sư hệ thống máy tính - MCSE, thầy Đức có nhiều cơ hội việc làm mà bao người ao ước. Ngày đó, không ít người cho rằng thầy có quyết định “không giống ai” khi chọn môi trường làm việc ở môi trường còn quá nhiều khó khăn như vậy. Đến nay, đã gần 20 năm thầy Đức gắn bó với HS khiếm thị Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Vừa làm thầy, làm cha và người anh của các em, thầy Đức tâm sự: “Dạy học cho người khiếm thị là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi người thầy phải có cái tâm, lòng thương người. Thời gian đầu mới tham gia giảng dạy gặp nhiều khó khăn nhưng được giúp đỡ và động viên của bạn bè, đồng nghiệp, được nhà trường cho dự nhiều lớp tập huấn nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước, từ đó mọi thứ cũng thuận lợi”.

“Người khuyết tật có ý chí phấn đấu rất cao, mình phải tạo điều kiện để họ sống và làm việc, hòa nhập với cộng đồng như một con người bình thường. Đó cũng là mục đích cuối cùng của tôi khi thực hiện các phần mềm, đề tài trên”. (Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức)

Từ tình thương yêu trẻ khiếm thị, thầy đã vượt qua bao thử thách, nhất là điều kiện kinh tế để sáng tạo, thiết kế phần mềm nhằm giúp người khiếm thị khắc phục những khó khăn gặp phải. Cụ thể là các phần mềm phát âm hỗ trợ HS tiếp cận công nghệ thông tin như: Phần mềm duyệt internet, phần mềm Luyện chính tả, phần mềm Vui học mầm non, phần mềm Vui học lịch sử… Ngay những ngày đầu về trường, thầy đã tích cực tham gia nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của ĐH Quốc gia, đề tài Từ điển và bộ dịch chữ nổi dành cho người khiếm thị; Xây dựng chương trình dạy tin học phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người khiếm thị. Ngoài giờ lên lớp, thầy thường xuyên có mặt tại các trung tâm, cơ sở, hội người mù để tập huấn, giảng dạy tin học. Đây là công việc theo thầy là làm vì lương tâm mách bảo.

Thầy Đức nhớ lại: “Soạn các phần mềm, phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, đọc các tài liệu chuyên ngành để xây dựng chương trình dạy tin học phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người khiếm thị. Để trẻ khiếm thị nhận biết, phân biệt âm thanh, ngoài những âm thanh tiếng của động vật, tiếng nước chảy, tiếng mưa, gió… sẵn có còn rất nhiều âm thanh khác mình phải tự thu âm và đưa vào phần mềm. Bên cạnh đó, tôi phải tự nghiên cứu kỹ làm thế nào để nội dung của nó mang đậm tính giáo dục thông qua những hình ảnh và âm thanh sinh động, HS sẽ được khám phá, tìm hiểu những điều lý thú, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và tìm hiểu môi trường xung quanh.

Thầy Đức còn được biết đến là tác giả của các sản phẩm, đề tài hiện đang áp dụng thành công tại các trường học, trung tâm… như “Phần mềm đọc trang web tiếng Việt dành cho người khiếm thị; Phần mềm luyện chính tả dành cho người khiếm thị”… được Bộ GD-ĐT đánh giá cao.

Đến những sản phẩm hữu ích

Thầy Đức còn được biết đến là tác giả của các sản phẩm, đề tài hiện đang áp dụng thành công tại các trường học, trung tâm… như “Phần mềm đọc trang web tiếng Việt dành cho người khiếm thị; Phần mềm luyện chính tả dành cho người khiếm thị”… được Bộ GD-ĐT đánh giá cao.

Là một giáo viên dạy bộ môn tin học, thầy nhận thức được mình cần phải luôn luôn cập nhật các kiến thức thực tế và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ trong công tác giảng dạy. Với thầy, được làm những công việc hữu ích cho người khiếm thị còn là một niềm vui. Sau khi các phần mềm hỗ trợ việc học của người khiếm thị ra đời, những buổi tập huấn sử dụng cho giáo viên dạy trẻ khiếm trị, các phụ huynh và HS cũng được triển khai. Các trường, cơ sở, trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật trên mọi miền đất nước đã tích cực hưởng ứng, sử dụng những phần mềm này đạt hiệu quả cao.

Với những nỗ lực và hy sinh vì người khiếm thị, thầy Đức vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của ngành, Liên hiệp các hội KHKT, UBND TP.HCM, Sở, Bộ GD-ĐT…

Điều thú vị là hầu hết các phần mềm thầy làm ra không mang tính thương mại. Để có được những sản phẩm hữu ích như thế, thầy Đức đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và có thể làm giàu nhưng chưa một lần thầy đặt nặng lợi ích kinh tế.

Cô Trần Hồng Điệp, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu nhận xét: “Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức là một đồng nghiệp giàu lòng yêu nghề, sẵn sàng đối mặt với thử thách. Ngoài công tác chuyên môn, thầy Đức còn là một điển hình trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với việc làm cụ thể vì người khác, đặc biệt là với nhiều thế hệ HS khiếm thị của TP.HCM”.

Bài, ảnh: Trần Anh