Thứ sáu, 15/1/2010, 08h01

Trường học khốn đốn vì “đại dịch cúm A/H1N1”

Những ngày gần đây dư luận vô cùng bức xúc trước sự thật về “đại dịch cúm A/H1N1”. Hóa ra dịch cúm A/H1N1 không ghê gớm như những gì mà chúng ta đã được nghe. Thậm chí, bác sĩ Marc Lipsitch Trường ĐH Harvard (Mỹ) còn khẳng định virus cúm A/H1N1 có tỉ lệ tử vong chỉ giao động từ 0,007 – 0,045%. Trong khi đó, cúm mùa thông thường có tỉ lệ tử vong gần 0,1%.
So với các ngành nghề khác, ngành giáo dục chịu khá nhiều áp lực về “đại dịch cúm A/H1N1”.Tại TP.HCM, ngay sau khi phát hiện “ổ dịch” tại Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm với 50 giáo viên và học sinh nhiễm bệnh, cả thành phố gần như rối loạn. Từ Sở Y tế, Sở GD-ĐT đến UBND TP, Bộ Y tế đều phải xuống trường làm việc. Kết quả là gần 1.000 học sinh đang học hè ở trường bị “đuổi” về nhà và chỉ được trở lại trường sau 20 ngày với điều kiện không có bệnh. Còn trường học thì biến thành bệnh viện, nồng nặc mùi thuốc khử trùng. Sự việc ở Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm chưa kịp lắng xuống thì ngày 21-7 lại phát hiện thêm một “ổ dịch” ở cơ sở 3A (P.13, Q.Tân Bình) của Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến. Cùng chung số phận với Trường Ngô Thời Nhiệm, Trường Nguyễn Khuyến cũng bị các ban ngành “thăm hỏi”, những học sinh lành bệnh bỗng dưng phải về nhà, còn học sinh có biểu hiện nóng sốt thì bị “nhốt” trong bệnh viện giả chiến ngay tại trường…
Càng đến ngày khai giảng năm học mới thì số trường có học sinh nhiễm cúm càng tăng. Lo sợ trước hiểm họa của “đại dịch cúm A/H1N1”, theo cảnh báo của ngành y tế, nhiều trường không dám tổ chức cho học sinh sinh hoạt hè. Thậm chí có trường còn phải lùi ngày tựu trường.
Rồi ngày khai giảng cũng được diễn ra trong sự lo lắng “đại dịch cúm A/H1N1” có thể “viếng thắm” bất cứ trường nào vào bất kỳ thời điểm nào. Nhiều trường có được khoản tiền nào là đổ hết cho việc lắp đặt vòi nước để học sinh rửa tay, phun thuốc khử trùng, mua máy đo thân nhiệt… Bỗng chốc trường học biến thành bệnh viện, giáo viên trở thành bác sĩ và học sinh là bệnh nhân. Giờ học, thầy và trò chỉ nhìn thấy mắt nhau vì tất cả đều phải đeo khẩu trang. Giờ ra chơi, học sinh không dám tụm năm tụm ba để “tám” vì sợ lây bệnh. Nếu không may ngành y tế gọi điện tới báo có một học sinh nhiễm cúm thì ngay lập tức trên 40 học sinh của lớp đó sẽ phải nghỉ học một tuần…
Nhớ lại những tháng ngày “hãi hùng”, thầy Nguyễn Hữu Diệu – Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức nói: “Nhà trường đã phải mua máy phun và thuốc cloramin và tự phun. Bởi nếu thuê bên y tế thì mắc quá, họ đòi tới hơn 7 triệu đồng. Thậm chí ngành y tế còn yêu cầu nhà trường mua máy đo thân nhiệt nhưng trường không mua vì… không có tiền”…
Và đến nay, khi học kỳ I đã qua, các “ổ dịch” cũng hiếm xuất hiện ở trường học, ngành y tế vẫn “hăm họa” “đại dịch cúm A/H1N1” sẽ quay trở lại. Theo đó, các trường vẫn cứ nơm nớp trước hiểm họa của “đại dịch”…
Chỉ vì những khoản lợi nhuận kích xù từ các hãng dược (sản xuất vacxin phòng chống cúm A/H1N1), không ít chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã thổi phồng sự thật về “đại dịch cúm A/H1N1” khiến hàng tỷ người trên thế giới hoang mang. Riêng ở TP.HCM, hàng chục ngàn giáo viên và hơn một triệu học sinh cũng khốn đốn…
Hòa Triều