Thứ năm, 12/5/2016, 20h40

Trưởng thành hơn khi được trải nghiệm

Tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2016” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua, hai dự án “Hạnh phúc màu cam” và “Chuyện trách nhiệm” của các giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý đã xuất sắc đoạt giải nhất. Hai dự án trên đã giúp học sinh trong trường trưởng thành hơn qua các hoạt động trải nghiệm.

Đây là những câu chuyện được học sinh viết lại và in thành sách, đang bán gây quỹ từ thiện cho nạn nhân chất độc da cam

Cảm nghiệm những giá trị sống tích cực

“Khi hai dự án đang được chuẩn bị chu đáo nhất để tham dự vòng thi quốc gia, cũng là lúc kế hoạch bán sản phẩm (do học sinh thực hiện trong dự án) được triển khai để gây quỹ từ thiện, phục vụ cho việc thăm và tặng quà những trường hợp bị ảnh hưởng chất độc da cam sắp tới”, cô Nguyễn Thị Ngọc Chuyển cho biết.

“Em có khỏe không?”, “Em ăn cơm chưa?”…, đó là những tin nhắn thể hiện sự quan tâm của một chị bị câm điếc bẩm sinh ở làng Hòa Bình dành cho em Hồ Minh Phát (lớp 8A2), trưởng nhóm Padu Batu trong dự án “Hạnh phúc màu cam”. Phát kể khi mới đến làng Hòa Bình để thực hiện dự án, các bạn trong nhóm và cả những thành viên đang mang trong mình di chứng của chất độc da cam đều e ngại nhau. Tuy nhiên, sau những giây phút cùng chơi, cùng sinh hoạt và trò chuyện, khoảng cách vô hình đó đã biến mất lúc nào không hay. Tình bạn giữa họ đã hình thành. Từ đó đến nay, Phát và các bạn thường xuyên giữ liên lạc bằng những tin nhắn với những người bạn mới và thường nhớ tới họ - đó là chị gái bị câm điếc, là các em bé chỉ có thể nói ú ớ không rõ từ và cả ông cụ hơn 80 tuổi. Phát xúc động nói: “Họ là những tấm gương về nghị lực sống để chúng em học hỏi. Họ cần được tôn trọng, được chia sẻ và yêu thương”. Cùng lớp với Phát, em Nguyễn Lê Gia Toại cũng cảm nhận sự khác biệt khi đến thăm làng Hòa Bình với những lần đi từ thiện trước đó: “Em thấy rằng ở đây, mọi người cần sự cảm thông và yêu thương chân thành. Đó cũng là trách nhiệm của chúng em, cũng là trách nhiệm của xã hội và cộng đồng. Chúng ta hãy cùng chung tay để yêu thương, nâng đỡ và giúp đỡ những người cần giúp”. Tương tự, em Trần Ngọc Hiếu, đại diện nhóm “Sống Còn” hào hứng kể về kỷ niệm của nhóm với chú Trần Thanh Sơn (Q.1) với giọng xúc động: “Chú Sơn bị gù lưng, chân không đi lại được, nhưng chú có đến 2 bằng thạc sĩ về CNTT và quản trị kinh doanh. Chú rất hay cười, sống lạc quan và còn khuyên nhủ chúng em thân tình như con cháu. Chú chính là tấm gương về sự mạnh mẽ, luôn dũng cảm chiến đấu để vượt lên số phận, khiến chúng em rất ngưỡng mộ và khâm phục”.

Trong khi đó, dự án “Chuyện trách nhiệm” cũng thực sự đem đến cho học sinh những trải nghiệm quý giá, từ những câu chuyện có thật và cả những cốt truyện do các em xây dựng nên. Em Tạ Anh Huy (lớp 9A2), trưởng nhóm SOML kể về câu chuyện “Lạc lối”. Đó là truyện về một người thanh niên nghiện ma túy, đã từng ra vào trại cai nghiện nhiều lần nhưng đều thất bại. Mọi người thường xa lánh và vội “kết tội” người nghiện chẳng thể sống có ích cho ai. Vậy mà anh chàng quyết tâm rời thành phố về quê, tự cai nghiện bằng cách giam mình trong buồng tối cả ngày lẫn đêm. Nhờ có sự trợ giúp và động viên của cha mẹ với những đêm thức trắng cùng con, cuối cùng anh cũng thoát khỏi “cái chết trắng” và tu chí làm ăn, siêng năng việc đồng áng, vâng lời cha mẹ nên được mọi người quý mến. Theo Huy, câu chuyện giữa đời thực này chính là bài học về sự trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình và điều đặc biệt quý giá là quyết tâm đoạn tuyệt với con đường lạc lối...

Dự án đậm chất nhân văn

Học sinh nghĩ ra cốt truyện và sắm vai nhân vật

Một câu chuyện mang tên “Ám ảnh” do nhóm em Tạ Anh Huy xây dựng và sắm vai đã chuyển tải những thông điệp ý nghĩa. Đó là câu chuyện về một cô bé mồ côi mẹ, bị người cha nát rượu thường xuyên bạo hành không thương tiếc. Nhân vật “Tôi” (là một học sinh) có lần chứng kiến cảnh tượng đó và đã khuyên cô bé nên rời đi để thoát khỏi cuộc sống kinh hoàng. Nhưng cô bé đã không làm như vậy với lý do “vậy thì ai sẽ nấu cơm cho ba em, ai sẽ chờ ông về mỗi buổi tối?...”. Rồi một lần cô bé lại bị cha đánh tới tấp, cậu học sinh lại chứng kiến cảnh đó nhưng không ra tay giúp đỡ dù ánh mắt khẩn cầu của cô bé đang hướng về mình. Độ tuần sau, cậu tìm đến nhà cô bé, nhưng cô bé đã mất. Sự ra đi của cô bé khiến cậu bị ám ảnh, tự trách mình ích kỷ vì đã không tận tâm giúp đỡ một cô bé hiếu thảo và thấy mình phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra…

Cô Dương Thị Ngọc Linh (giáo viên môn giáo dục công dân, phụ trách dự án “Chuyện trách nhiệm”), cho biết dự án này nằm trong việc dạy liên môn giáo dục công dân và ngữ văn. Trong khuôn khổ dự án, học sinh đã thực hiện những buổi phỏng vấn thực tế các nhân vật, câu chuyện có thật trong cuộc sống, hoặc tự xây dựng nên cốt truyện và sắm vai. Sau đó, các em sẽ viết lại những câu chuyện mà mình đã trải nghiệm, để tổng hợp các bài viết thành một Cẩm nang trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm trong học đường… Theo cô Linh, mục đích của dự án nhằm giáo dục cho học sinh về tinh thần trách nhiệm và điều đáng mừng là những trải nghiệm từ dự án đã góp phần giúp các em trưởng thành hơn trong nhận thức, suy nghĩ, hành vi và ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội, bạn bè...

Tương tự, dự án “Hạnh phúc màu cam” cũng thú vị và đem đến cho học sinh nhiều giá trị sống quý báu. Dự án này là sự tích hợp giữa môn văn, sinh học và tin học. Phụ trách dự án gồm 4 giáo viên: cô Bảo Ngọc và cô Nguyễn Thị Lệ My (dạy văn), cô Nguyễn Thị Ngọc Chuyển (dạy tin học) và cô Nguyễn Thị Kim Phụng (dạy sinh học). Dự án được thực hiện trong hơn hai tháng với sự tham gia của 133 học sinh khối 8, 11 và 12. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách, các em đã trực tiếp gặp gỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, và sắm vai thành những nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, phóng viên - biên tập viên, nhà thiết kế… Qua đó giúp các em có những trải nghiệm thực tế và gửi gắm thông điệp tới những nạn nhân nhiễm chất độc da cam bằng chính các sản phẩm mà mình đã dày công thực hiện.

Cô Bảo Ngọc cho biết, dự án xuất phát từ ý tưởng tìm tới các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, là dịp để các em tìm hiểu những mảnh đời bất hạnh, qua đó thấu hiểu được nỗi đau của người khác, và ý thức được sự may mắn của mình để biết yêu thương và quan tâm, chia sẻ với những người kém may mắn, thiệt thòi.

Bài, ảnh: Bích Vân