Thứ sáu, 2/1/2009, 10h01

Tự học trong thời đại mới

Mới ngày nào, người ta còn nói: “cứ khoảng 7 năm, vốn kiến thức của nhân loại lại tăng gấp đôi”, mà bây giờ “7 năm” đã trở nên lạc hậu và phải thay bằng “18 tháng”. Trong khi đó thì thời gian học không tăng. Cuộc sống lại đòi hỏi các nhà trường phải rèn luyện cho học sinh, sinh viên nhiều phẩm chất, năng lực mới như “độc lập suy nghĩ”, “năng động sáng tạo”, có khả năng giao tiếp, khả năng thuyết phục, có thói quen làm việc theo nhóm v.v..
Vậy giáo dục ứng phó với tình hình trên như thế nào? Có ý kiến cho rằng phải tận dụng công nghệ thông tin; điều đó đúng nhưng chẳng có công nghệ, máy móc nào “học” hộ con người được. Muốn “học” thì bộ não tự nhiên phải lo rèn luyện, máy móc (nếu có) chỉ hỗ trợ với tư cách là phương tiện. ý kiến khác là phải tinh giản chương trình, loại ra khỏi chương trình những gì đã lạc hậu, lấy chỗ để đưa những gì là mới, là hiện đại vào; cũng có ý kiến là phải đào tạo theo chuyên ngành hẹp (trong dạy nghề) thì người học mới ôm nổi kiến thức trong một ngành hẹp rồi tổ chức để những người ở nhiều chuyên ngành hẹp khác nhau hợp tác với nhau. Những ý kiến trên đây cũng đã có nơi đưa ra thực hiện nhưng kết quả cũng rất hạn chế so với sự phát triển siêu vũ bão của khoa học và công nghệ. Sau đây, xin đề xuất một ý kiến đã có thử thách ít nhiều.
Khi nói “học” thì phổ biến là người ta nghĩ đến học “kiến thức”. Hỏi một vị phụ huynh học sinh tại sao con em đi học thêm thì vị đó trả lời: “Để củng cố kiến thức”. Hỏi một giáo viên về mục đích phụ đạo cho học sinh ngồi nhầm lớp, thì được trả lời: “Để lấp các lỗ hổng kiến thức”. Rõ ràng nhiều người không nghĩ xa hơn “kiến thức”. Mà chất lượng kiến thức nằm ở bản thân kiến thức phần nào thôi, còn phần lớn lại nằm ẩn đằng sau “kiến thức”. Trước hết là “tư duy”. Có điều hơi lạ là khi nói đến khoa học, chúng ta chỉ nêu ra khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà quên mất khoa học tư duy mặc cho loài người đã khẳng định rằng đối tượng của khoa học là giới tự nhiên, xã hội loài người và tư duy con người. Trong nhà trường chúng ta hầu như không có khoa học tư duy, trừ ở môn triết học ở bậc đại học nhưng lại dạy không có kết quả, hầu hết sinh viên đều chán học và chỉ học để đối phó với thi cử. Một tiến sĩ toán học, khi được hỏi về những tư duy mà ông ta đã vận dụng trong luận án của mình thì trả lời: “Tôi chỉ biết làm toán, còn chỗ nào dùng tư duy kiểu gì thì tôi chả chú ý”. Từ tư duy đi lên nữa trên các bậc thang của sự trừu tượng thì sẽ đến những khái niệm như quan điểm, tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận và đến những phẩm chất như “có tư duy độc lập”, “có bản lĩnh kiên trì chân lý”, sự thính nhạy với các quy luật v.v.. Cũng từ đó mà thấy ra ba cấp độ khác nhau trong mối quan hệ giữa các bộ môn khoa học. Theo các bậc thang trừu tượng thì thấp nhất là quan hệ về kiến thức (kiến thức môn này phục vụ cho môn khác) rồi đến quan hệ về tư duy (kiểu tư duy ở môn này cũng là kiểu tư duy ở môn khác) và cao nhất là quan hệ về quan điểm, tư tưởng, phương pháp luận cùng với những quan hệ về nhân cách người học (những đức tính cần để học môn này cũng là những đức tính cần để học môn khác ví như sự đòi hỏi phải khách quan, phải chính xác).
Việc dạy và học trong nhà trường của ta nhìn chung là chưa qua khỏi học “kiến thức”, còn xa mới vượt lên đến những bậc thang trừu tượng ở trên kiến thức và cũng chính vì vậy mà việc nắm kiến thức cũng thiếu chiều sâu. Thêm nữa, lại bỏ phí thuận lợi là càng leo cao lên các bậc thang của sự trừu tượng đó thì càng ít bị sự phát triển siêu vũ bão của khoa học và công nghệ quấy nhiễu giống như máy bay càng bay cao càng đỡ bị giông bão tác động. Đó là vì những phát minh lay động đến nhân sinh quan, thế giới quan kiểu như thuyết nhật tâm của Côpernic, thuyết tương đối của Anhxtanh thì rất hiếm. Trong cuộc sống, ta thấy nhiều người được phân công tác trái chuyên môn, ngành, nghề nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhờ có nhân sinh quan, thế giới quan, phương pháp luận chính xác, vững chắc cùng những đức tính như biết dùng người, biết lắng nghe, lại có bản lĩnh dám quyết, dám chịu trách nhiệm v.v.
Kiến thức thì đã có chương trình, sách giáo khoa trình bày rõ ràng còn những thứ khác như tư duy, quan điểm, tư tưởng v.v. thì ẩn đằng sau kiến thức. Trách nhiệm của GV là giúp HS làm cho chúng hiện ra nhưng thì giờ trên lớp rất hạn chế, học sinh phải tranh thủ mọi cơ hội để ngâm, tẩm kiến thức trong dung môi thực tiễn cuộc sống” thì những điều trừu tượng nói trên mới ngấm dần, thấm dần, đến một độ nào đó thì đột biến thành tư tưởng, quan điểm giống như những hạt cát li ti tích luỹ dần sẽ thành bãi phù sa. Vấn đề là phải gia tốc việc sản sinh ra các hạt cát li ti để sớm có bãi phù sa. Đó là cách học tạm gọi là “sáu mọi”: học mọi lúc, học mọi nơi, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh, học qua mọi nội dung. Cách học này bổ sung vào cách học có tổ chức, có giờ giấc. Mà đường đời của một người thì dài lắm, tha hồ mà sản sinh ra hạt cát để rồi có bãi phù sa.
Mới nghe tưởng chừng như cách học “sáu mọi” rất căng thẳng, rất nhồi nhét. Không phải thế. Nó rất nhẹ nhàng giống như cách học trong câu: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Người học chỉ cần có ý thức “học”, chứ chả cần chuẩn bị gì, gặp gì học nấy, nữa là còn bày ra những trò tiêu khiển để học. Ví dụ, có người bày trò tiêu khiển là tìm quy luật phân bố của các con số trong các số điện thoại, chẳng hạn 9762183 thì nhận xét: nếu đem con số 8 ở vị trí thứ hai bên phải sang vị trí thứ hai bên trái 9876213 thì rất dễ nhớ: 9876 và 213. Để làm gì? Tại sao không ghi vào sổ hay nạp vào máy điện thoại di động? - Nhớ được mà không bị lệ thuộc vào sổ, vào máy điện thoại chỉ là lợi ích nhỏ, lợi ích lớn là nuôi dưỡng sự thính nhạy với các quy luật, nhìn vào đâu cũng cảm thấy có quy luật ẩn náu trong đó và muốn tìm cho ra quy luật đó. Phẩm chất này mới thật cần cho sự năng động sáng tạo. Chuyện nhỏ nhưng lợi ích lớn nếu luyện lâu dài; cũng giống như mỗi ngày để ra một ít thì giờ để đi bộ, để leo cầu thang bộ, tránh việc hễ ra khỏi nhà là lên xe, hễ lên lầu cao là vào thang máy, là chuyện nhỏ nhưng giữ được đều đặn lâu dài thì rất có lợi cho sức khoẻ.
Cách học “sáu mọi” nói lên tầm quan trọng của “tự học” vì giáo viên làm sao mà lúc nào cũng có mặt cùng học trò để giúp học trò thực hiện “sáu mọi”, chỉ một “mọi” như “mọi lúc” đã không làm nổi. Giáo viên chỉ có thể gợi ý, hướng dẫn trên lớp, gặp gỡ học sinh đâu đó và hỏi thăm xem các em đã học được gì. Đối với học sinh tiểu học thì “sáu mọi” thực chất là “chơi mà học” nhưng giáo viên và phụ huynh nên lái dần việc “chơi mà học” vào quỹ đạo “sáu mọi” trên con đường học dần lên cao. Nhiều người nghĩ rằng như vậy thì khó quá. Khó là vì “kính nhi viễn chi”. Cứ “kính nhi cận chi” thì cái khó cũng hoá thành dễ. Tôi đã phụ trách chuyên đề “phương pháp luận toán học” cho cao học ở trường đại học sư phạm Hà Nội. Học viên là các thầy dạy toán ở trung học phổ thông. Buổi gặp mặt đầu tiên, tôi ra bài kiểm tra: “Hãy nói về phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong toán học”. Họ ngớ người ra, cứ tưởng thầy kiểm tra xem kiến thức toán đại học đến đâu, ngờ đâu lại là đề kiểu lạ này. Chờ độ 15 phút, chả ai làm được gì, tôi mới nói cho họ biết rằng hàng ngày họ dạy cho học sinh các định lý, các công thức toán học. Đó là những chân lý đúng mọi lúc, mọi nơi, tức là những bất biến. Học sinh đem các định lý, công thức đó để giải rất nhiều bài toán, đó là vạn biến. Khi đó họ mới bộc lộ rằng do nhớ đến việc năm 1946, bác Hồ sang Pháp, cử cụ Huỳnh làm quyền chủ tịch; cụ Huỳnh hỏi kế sách trị nước. Bác Hồ trả lời: “dĩ bất biến ứng vạn biến” nên họ cứ nghĩ rằng phương châm đó là giành cho các chính khách và họ hoàn toàn bất ngờ khi thấy nó liên quan đến việc dạy - học hàng ngày.
Giáo viên lo dạy “trực quan” cho học sinh dễ hiểu. Nhưng lo đến mức nào là vừa? Trực quan là bắc những bậc thang cho học sinh leo trên trừu tượng và rồi lại biết từ cái trừu tượng mà xuống đến cái cụ thể. Bắc thang thế nào là tối ưu? Đây là một vấn đề quan trọng của khoa học sư phạm ngày nay. Làm được tốt thì sẽ đối mặt với sự phát triển siêu vũ bão của khoa học và công nghệ một cách không vất vả lắm.
GSVS. Nguyễn Cảnh Toàn