Thứ sáu, 17/2/2012, 12h02

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Vẫn còn băn khoăn

Giám thị kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 có nhiều thay đổi so với năm 2011. Có rất nhiều ý kiến của các trường xung quanh vấn đề này.
Không nên kéo dài thời gian xét tuyển
Năm 2012, việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ không còn chia thành 3 nguyện vọng (NV) như mọi năm. Thay vào đó, các trường được tự xét tuyển và không cần phải lấy điểm chuẩn NV sau cao hơn NV trước. Bộ GD-ĐT cũng cho phép thời gian để các trường xét tuyển kéo dài đến ngày 31-12. Tuy nhiên, nhiều trường lại không đồng tình với phương án kéo dài thời gian này. Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn - ông Nguyễn Hồng Anh - khẳng định cần phải có một mốc kết thúc để các trường thực hiện. Vì ông lo ngại khi thời gian xét tuyển quá dài, lại không theo đợt thì hồ sơ ảo sẽ tăng, chi phí tuyển sinh của các trường cũng tăng lên mà chỉ tiêu vẫn không thể đủ. GS. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng - cũng lo ngại nếu xét tuyển nhiều lần và kéo dài thời gian xét tuyển không mang lại lợi ích chung cho các trường vì khó bắt đầu cho năm học mới. Nếu kéo dài xét tuyển như năm vừa rồi cũng không mang lại hiệu quả. Vấn đề là tổ chức thế nào để có thời hạn xét tuyển trong mốc thời gian đặt ra để thí sinh nộp hồ sơ, đó là điều mà các trường cần hơn nhiều là kéo dài nhiều đợt xét tuyển. Kéo dài thời gian xét tuyển sẽ không mang lại lợi ích gì lớn, có chăng chỉ để thí sinh chạy từ vùng này sang vùng khác. Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng xét tuyển nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho thí sinh nhưng khó cho các trường. Ông Nam đề xuất không nên kéo dài đến ngày 31-12. Ông Đặng Văn Uy - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) - cho rằng không nên kéo dài thời gian tuyển sinh mà nên có hai đợt tuyển sinh/ năm, mỗi đợt cách nhau 4-6 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng nhất trí với quan điểm này. Người đứng đầu ngành GD-ĐT nói nên chốt vào một thời gian hợp lý trước ngày Bộ GD-ĐT báo cáo với Chính phủ, với Quốc hội.
Không chỉ đồng tình với việc không nên kéo dài thời gian xét tuyển, Hiệu trưởng ĐH Vinh Đinh Xuân Khoa còn cho biết các trường ĐH khi nhận được văn bản yêu cầu xác minh thông tin của những trường tuyển thí sinh thi tại trường mình thì nên hồi âm lại. “Năm 2011, ĐH Vinh tuyển thí sinh của 99 trường ĐH trên cả nước, đã gửi văn bản đến những trường này để nhờ xác minh. Nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 55 trường phản hồi còn 44 trường vẫn “im lặng”, điều này gây khó khăn cho công tác hậu kiểm của trường”, ông Khoa nói.
Tán thành thêm khối thi
Là người gắn bó nhiều với giáo dục ĐH, GS. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng - cho hay ông hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức thi thêm khối A1, như vậy sẽ tạo điều kiện và có lợi cho thí sinh. Không chỉ GS. Nghị đồng tình với phương án thêm khối thi A1 mà hiện nay đã có nhiều trường lên kế hoạch tuyển sinh trong năm nay như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Điện lực, Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH dân lập Hải phòng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM… Là một trong những trường dự kiến thi thêm khối A1, PGS.TS Lê Hữu Lập - Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông - cho biết: Học viện hoàn toàn ủng hộ phương án này. Thực tế, từ năm 2011, học viện đã chủ động mở rộng thêm khối thi. Quan điểm của học viện là càng thêm nhiều khối thi thì khả năng lựa chọn càng dễ dàng, nhiều thí sinh đăng ký vào nên sẽ chọn được nhiều sinh viên giỏi. Tuy nhiên, việc thêm khối thi cũng là thêm việc cho các trường, nhất là trong việc tổ chức tuyển sinh.
Theo lộ trình đổi mới tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết từ nay đến 2015 cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh. Cùng với tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, Bộ GD-ĐT giao các trường ĐH trọng điểm, các trường năng khiếu nghệ thuật, các trường có kinh nghiệm quản lý, đủ điều kiện… xây dựng phương án tuyển sinh, trình bộ xem xét phê duyệt.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
“Không nên kéo dài thời gian tuyển sinh mà nên có hai đợt tuyển sinh/ năm, mỗi đợt cách nhau 4-6 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh”, ông Đặng Văn Uy - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) -  khẳng định.