Thứ hai, 9/3/2009, 08h03

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Những câu hỏi trước giờ G

TS đặt câu hỏi tại “Ngày hội tư vấn tuyển sinh”

Sáng 8-3, hàng ngàn học sinh (HS) và phụ huynh đã có mặt trong “Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2009” do Bộ GD-ĐT phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hội trường TP.HCM. Đến thời điểm này, thắc mắc của thí sinh (TS) vẫn tập trung chủ yếu vào vấn đề chọn ngành, trường và những lưu ý khi làm bài thi để đạt được kết quả cao nhất.
Nhiều nét mới về tuyển sinh ĐH-CĐ 2009
Tại “Ngày hội tư vấn tuyển sinh”, PGS.TS Ngô Kim Khôi (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) thông báo, những nét mới về tuyển sinh ĐH và CĐ năm nay là: các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số TS trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết. Với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng nằm trong tổng chỉ tiêu của các trường được phê duyệt. Các trường công bố công khai chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng.
Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập công bố công khai mức thu học phí hàng tháng đối với khóa tuyển sinh năm 2009 (hoặc năm học, khóa học) trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ hệ chính quy 2009.
Những thắc mắc chủ yếu nhất của TS
Một HS thắc mắc về sự khác nhau cơ bản giữa CĐ nghề và CĐ chính quy, giữa học viện và đại học là gì?
PGS.TS Ngô Kim Khôi cho biết: Hiện nay, theo Luật Giáo dục,có hai hệ CĐ. Hệ CĐ nghề trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hệ CĐ chuyên nghiệp trực thuộc Bộ GD-ĐT. Về chương trình học, hệ CĐ chuyên nghiệp nặng về đào tạo lý thuyết hơn thực hành; hệ CĐ nghề, đào tạo thiên về thực hành, kỹ năng. SV tốt nghiệp hệ CĐ chuyên nghiệp được quyền liên thông lên ĐH, SV tốt nghiệp hệ CĐ nghề không được liên thông cao hơn.
Học viện và đại học, về cơ bản có nhiệm vụ như nhau, đều đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học. Điểm khác nhau là ở con dấu trên văn bằng và các giấy tờ khác có liên quan…
HS có học lực trung bình - yếu thì nên chọn trường nào cho phù hợp với nguyện vọng và khả năng?
TS Phạm Như Nghệ (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp) khuyến cáo: “Hằng năm, lượng TS dự thi ĐH rất đông nên cơ hội vào được ĐH là rất khó, không phải ai thi cũng có cơ hội đậu. Những HS có học lực trung bình - yếu càng phải hết sức cân nhắc khi chọn trường. Các em HS trung bình - yếu nên chọn học hệ TCCN, thông qua hai hình thức xét tuyển kết quả thi ĐH hoặc xét học bạ. Trừ hệ trung cấp nghề, còn lại sau này các em vẫn có điều kiện liên thông lên các bậc học cao hơn nếu có nguyện vọng”.
Liên quan đến vấn đề liên thông, TS muốn biết khi họ tốt nghiệp hệ CĐ ngành ngữ văn Anh của trường này có được liên thông lên hệ ĐH cũng ngành đó tại một trường ĐH khác không. TS. Phạm Tấn Hạ (Phó phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) giải đáp, không riêng ngành ngữ văn Anh, trong năm 2009 trường tiếp tục mở rộng đào tạo liên thông thêm hai ngành là văn hóa học và thư viện thông tin. SV tốt nghiệp cùng hệ, cùng ngành đào tạo ở bất kỳ trường nào đều có điều kiện tham gia. SV tốt nghiệp loại khá - giỏi thì được dự thi liên thông ngay. SV tốt nghiệp loại trung bình thì đòi hỏi phải có thêm một năm kinh nghiệm.
Nhiều TS quan tâm hỏi những ngành nghề nào sẽ phát triển trong 3-4 năm tới? Những ngành nào có nhu cầu lao động cao và cơ hội việc làm phong phú?

TS đang trao đổi thông tin về ngành nghề

PGS.TS Ngô Kim Khôi lưu ý cho TS năm tiêu chí cơ bản khi chọn ngành, trường: căn cứ vào năng lực thực tế của bản thân để chọn trường và khối thi phù hợp; sở trường, năng khiếu; điều kiện kinh tế gia đình (TS có hoàn cảnh khó khăn nên chọn những trường gần địa phương hay những ngành có học phí không quá cao…); những ngành mà nhu cầu xã hội đang cần; khả năng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Ông Khôi cũng nhận định một số ngành có xu hướng phát triển trong tương lai như: tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, y dược…
Em Nguyễn Trần Anh Xuân thắc mắc: Theo quy định của Bộ, đề thi gồm hai phần chung và riêng. Với phần riêng (ra theo từng chương trình: chuẩn và nâng cao), vậy TS có thể làm cả hai phần này không?
PGS.TS Ngô Kim Khôi cho biết: Đối với các môn toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi có cấu trúc 2 phần, phần chung bắt buộc cho tất cả các TS ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng ra từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Khi làm bài, ngoài phần bắt buộc chung, ở phần riêng theo chương trình chuẩn và nâng cao, TS có thể chọn 1 trong 2 phần thích hợp để làm phù hợp với chương trình mình được học. Lưu ý TS không được chọn cả 2 phần, nếu chọn cả 2 phần để làm, coi như bị phạm quy, không chấm điểm 2 phần mà chỉ chấm phần chung. Đối với các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung, Đức, Nhật): đề thi mỗi một môn chỉ có phần chung dành cho tất cả các TS, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
Hoàng Minh Tiến băn khoăn: Ngành xây dựng ở ĐH Bách khoa có khác gì với ngành này ở Trường ĐH Kiến trúc?
TS Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH – ĐHQG TP.HCM) giải đáp: Theo chương trình khung của Bộ thì có 65% chương trình khung giống nhau. Còn 35% là khác nhau do thế mạnh từng trường, tùy điều kiện giảng dạy mà các trường bổ sung cho phù hợp. TS Mai cũng nhấn mạnh thêm, các TS cũng nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển trung bình qua các năm. Đồng thời cũng nên quan tâm đến mức học phí của các trường xem mình có đủ điều kiện hay không. Không nhất thiết phải bó buộc vào một nghề mà tham khảo nhiều ngành nghề khác để lựa chọn.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý TS khi làm bài thi: Một môn thi thường có 2 phần lý thuyết và bài tập với phạm vi từ 50 - 80 câu, nằm trong chương trình lớp 12 và cả 3 năm học phổ thông. Thời gian làm bài là không nhiều nên TS cần phải nắm vững kiến thức cơ bản và biết phân bổ thời gian làm bài một cách hợp lý. Không nên tập trung quá lâu vào những câu khó sẽ dẫn đến mất tự tin. Đối với phần câu trắc nghiệm, TS cần chú ý đến thứ tự các câu trả lời trắc nghiệm và thứ tự câu hỏi trong bài thi để tránh đánh nhầm…
Riêng bạn Phan Minh Quân có câu hỏi: Ngành thú y đào tạo như thế nào? Em muốn học ngành thú y, nhưng ba mẹ lại không thích, nên chọn theo sở thích của mình, gia đình hay theo nhu cầu xã hội?
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giải thích: Ngành thú y Trường Nông lâm đào tạo bác sĩ thú y, trang bị các kiến thức về vật nuôi như chăm sóc sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, các vật nuôi thân thích. Tốt nghiệp ra trường, em có thể làm việc cho các cơ quan Nhà nước như: chi cục thú y, trạm thú y, viện nghiên cứu, kiểm dịch động vật, các nhà máy chế biến thực phẩm hoặc có thể mở phòng mạch tư chữa các bệnh động vật… Em nên chọn ngành theo sở thích của mình vì có lòng say mê và yêu nghề mới học tốt được. 
Một số bạn thắc mắc: Trường ĐH Y dược TP.HCM có đào tạo ngành bác sĩ nhi khoa không, thi ngành này có khác gì với ngành bác sĩ đa khoa, ngành bác sĩ đa khoa ra trường làm việc ở đâu?
Giải đáp thắc mắc này, TS Huỳnh Văn Hóa (Phó trưởng phòng ĐT Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: Kỳ tuyển sinh năm 2009, Trường Đại học Y dược TP.HCM có 50 chỉ tiêu cho ngành bác sĩ nhi khoa. Khi thi đậu, các em sẽ được học chung với ngành bác sĩ đa khoa. Sau 4 năm học, các em sẽ được tách ra học ngành bác sĩ nhi khoa.
NGUYÊN HẢI - MÊ TÂM