Thứ bảy, 22/10/2016, 22h20

Ứng phó với tình huống thiên tai cuối năm

Triều cường gây ngập đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh đêm 17-10 

Sáng 22-10, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo đầu tuần tới sẽ có mưa giông tại TP.HCM và một số tỉnh, thành lân cận, trong cơn giông cần đề phòng gió giật và lốc xoáy. Mùa mưa năm nay dự báo kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Theo đó, thời điểm 10 ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 sẽ xảy ra mưa cường độ lớn, có nơi có thể đạt từ 50mm-100mm.

Về việc xả lũ hồ Dầu Tiếng vào sáng 22-10, ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, thời gian xả lũ vào thời điểm triều kém nên không ảnh hưởng đến TP.HCM. Tuy nhiên ông Dũng cũng cảnh báo các quận, huyện như Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh… và các đơn vị cần chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Được biết, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng đã chuẩn bị các phương án đề phòng với tình huống bất lợi có thể xảy ra do xả lũ hồ Dầu Tiếng.

Cũng theo ông Dũng, quy luật thủy triều các tháng 10, 11 và 12 hàng năm là thời điểm đỉnh triều lên cao nhất trong năm, dự báo sẽ vượt mức báo động 3 từ 0,2-0,3m. Do đó người dân cần chủ động đối phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương gần sông, kênh rạch chủ động đề phòng sự cố sạt lở do nước triều chảy xiết, mưa lớn kéo dài.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương giao UBND các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh làm chủ đầu tư thực hiện gia cố và sửa chữa các công trình xung yếu phòng chống thiên tai. Theo đó, thành phố có 85 công trình cần được gia cố và sửa chữa gấp để phòng tránh triều cường và mưa bão trong những tháng cuối năm.

T.An