Thứ bảy, 11/11/2017, 23h05

Vai trò thợ cả trong đào tạo kép

Đào tạo kép là một mô hình đào tạo nghề hiệu quả của Đức được nhiều nước áp dụng. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã đưa vào trường nghề khá lâu nhưng thực tế đến nay vẫn còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.

Theo các chuyên gia, chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc rất lớn ở người thợ cả. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản. Ảnh: T.An

Chưa đảm bảo thời lượng 30-70

Học ở trường với thời lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành tại doanh nghiệp (DN), đó là đặc điểm nổi bật của mô hình đào tạo kép. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thời lượng thực hành ở DN chỉ từ 1-6 tháng, tức tương đương 1/6 học kỳ.

Tại buổi làm việc với các trường CĐ-TC về liên kết đào tạo với DN, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trường chất lượng cao và trường có đào tạo nghề trọng điểm triển khai liên kết với DN để thực hiện đào tạo kép. Theo đó, các trường tập trung liên kết đào tạo ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch chuyển trong cộng đồng ASEAN. Các trường chủ động mời DN ngồi lại bàn bạc xem chương trình dạy còn thiếu nội dung gì để bổ sung cũng như bỏ bớt khi thấy không cần thiết.

Về vấn đề này, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết DN cũng muốn phối hợp đào tạo kép, tuy nhiên chưa đạt được thời lượng 30-70 theo yêu cầu. “Người thợ cả đào tạo thực hành tại DN rất quan trọng. Họ giỏi về chuyên môn, có kỹ năng nghề và sư phạm sẽ truyền đạt cho các em dễ hiểu, lôi cuốn và giờ thực hành có hiệu quả cao. Vì thế, ngoài kiến thức chuyên môn, người thợ cả cần có kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm mà hiện nay các DN đang thiếu trầm trọng”, bà Thủy nói. Chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết đào tạo, bà Thủy cho rằng lợi thế của trường là tìm được những DN có người thợ cả từng là học sinh của trường, biết trình độ của họ đến đâu, từ đó hợp tác để xây dựng chương trình thực hành.

Đề cập đến việc liên kết đào tạo kép, bà Hoàng Thị Tú Sương (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) cũng đặc biệt quan tâm đến vị trí và vai trò của người thợ cả đối với chất lượng đào tạo nghề. Bà Sương cho biết trước đây trường có liên kết với DN đào tạo kép nhưng chỉ được 1-2 lớp rồi ngưng vì nhiều lý do. Hiện tại, trường đưa sinh viên xuống thực tập tại DN khá đông, đào tạo 3 modul (tương đương 900 tiết) nhưng cũng chỉ dừng lại ở một vài nghề như thiết kế đồ họa, công nghệ ô tô... Về chương trình ký kết đào tạo, trường thực hiện cho sinh viên năm 3 chứ chưa thể sớm hơn.

Trong khi đó, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức cũng đã phối hợp với DN đào tạo các nghề cơ điện tử, cơ khí…; tuy nhiên cũng chỉ đào tạo theo modul chứ chưa xây dựng được chương trình đào tạo bài bản. Tương tự, đại diện Phòng quan hệ doanh nghiệp của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức khẳng định, trong thời gian học tại DN, sinh viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức thực tế mà có khi trong bài giảng lý thuyết không hề có. Trường cũng đang liên kết với các DN đào tạo nghề cơ khí, truyền thông mạng máy tính, giờ thực hành có cả giáo viên của trường tham gia...

Ông Trần Văn Tám (Phó Hiệu trưởng Trường TC Thủy sản) cho biết lâu nay có tham gia đào tạo liên kết với các trường nhưng ở trình độ TC hoặc như đào tạo công nhân theo đơn đặt hàng của DN thì mới triển khai giữa tháng 10 với 51 học viên.

Cần phải hợp đồng trách nhiệm

“Người thợ cả đào tạo thực hành tại DN là rất quan trọng. Họ giỏi về chuyên môn, có kỹ năng nghề và sư phạm sẽ truyền đạt cho các em dễ hiểu, lôi cuốn và giờ thực hành có hiệu quả cao”, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) nói.

Bà Lê Thị Thanh Lâm (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food) chia sẻ: “Liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN cũng là một hình thức đầu tư nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn, bản lĩnh kế thừa cho DN. Tuy nhiên, hiệu quả thế nào còn tùy thuộc vào đội ngũ hướng dẫn đang giữ các vị trí cao trong DN, chương trình đào tạo và đặc biệt là thái độ học tập của người học”.

Đại diện Phòng đào tạo Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cho rằng, để xây dựng một chương trình đào tạo kép cần có một hội đồng sư phạm uy tín đang trực tiếp giảng dạy lý thuyết và thực hành. Mỗi khoa chia nhau viết thành từng chương, sau đó tập hợp gửi hội đồng phản biện, từ ý kiến đánh giá, thêm bớt chương trình rồi mới cho phép phát hành. Thực tế, thực hành là để người học tích hợp các modul lại với nhau, qua đó tích lũy kiến thức thực tế và những kỹ năng cần thiết.

Trước yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, đặc biệt là ngành nghề phục vụ nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, ông Nguyễn Văn Lâm đề nghị các trường cùng DN xây dựng nội dung chương trình đào tạo kép đảm bảo thời lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành. “Giao học sinh - sinh viên xuống DN rồi bỏ mặc cho thợ là không ổn mà trường phải cử giáo viên đeo bám. Cần phải có hợp đồng trách nhiệm với DN, trong đó chú trọng trình độ của người thợ cả, thấp nhất phải tốt nghiệp THPT. Tuyệt đối tránh tình trạng DN lợi dụng sức lao động của người học”, ông Lâm lưu ý.

T.Anh