Thứ bảy, 14/1/2017, 21h42

Viết tiếp bài Xưng hô trong học đường (ngày 6-1): Xưng hô giữa đồng nghiệp già và trẻ

Ngày nay việc xưng hô giữa đồng nghiệp với nhau đôi khi cũng tùy tiện cảm tính. Cần phải thống nhất cách xưng hô lại, để tránh hiện tượng cảm tính chủ quan cũng như hướng đến các mục tiêu cao hơn trong giáo dục.

Theo đánh giá, cách xưng hô như thế nào để người đối diện cảm thấy vui vẻ là được (ảnh minh họa). Ảnh: D.B

Ở bài viết này tôi bàn thêm thực trạng ở giảng đường trong quan hệ giữa các đồng nghiệp (những người lớn tuổi và những người trẻ tuổi). Cô (chú) hay anh (chị) với đồng nghiệp trẻ tuổi?

Trước hết, về khía cạnh tâm sinh lý và trải nghiệm thì đương nhiên ở các trường ĐH những người lớn tuổi thường là những thế hệ đi trước, có thâm niên nghề nghiệp cũng như trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn. Thường là những người thực tiễn nhiều thì kinh nghiệm về thực tế cũng phong phú, đa dạng, đôi khi cũng có trường hợp thực tiễn nhiều nhưng chưa chắc đã dày dạn kinh nghiệm thực tế (chẳng hạn những người có thâm niên lâu năm nhưng lại vẫn hạn chế về nghiệp vụ và chuyên môn so với người trẻ tuổi). Do vậy, về mặt tuổi tác, trải nghiệm nói chung thì phần lớn những người hơn người khác khoảng 15-20 tuổi thường được đồng nghiệp trẻ gọi bằng cô (chú) là phải lễ.

Mặt khác, do tính chất quan hệ và do sự chi phối bởi đặc thù hoạt động sư phạm trong môi trường hoạt động chung thì thường người ta hay xưng hô bằng anh (chị) với em. Đây là cách phổ biến nhất hiện nay mà nhiều người chấp nhận được. Song cũng cần phải thật linh hoạt bởi có những người chuẩn bị về hưu, cao tuổi nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy công tác thì nên xưng hô sao cho phù hợp với khoảng cách thế hệ quá lớn. Ở khía cạnh tâm lý, cách xưng hô thế nào để người nhiều tuổi cảm thấy thực sự thoải mái, vui vẻ là được. Phần lớn những người có khoảng cách tuổi chênh lệch khá nhiều so với người trẻ ở môi trường sư phạm cũng như các cơ quan Nhà nước khác thì họ vẫn chấp nhận quan hệ anh (chị) với em, không ảnh hưởng gì nếu người trẻ tỏ ra tôn trọng người lớn tuổi. Tuy nhiên, môi trường sư phạm là môi trường có những nét đặc thù riêng, phần lớn sinh viên thường xưng em với thầy (cô) không kể thầy (cô) đó bao nhiêu tuổi. Còn thầy cô thường gọi các em hoặc là anh, chị với các sinh viên, đó cũng là cách để làm cho quan hệ thầy trò gần gũi hơn và cũng là tôn trọng đối tượng giao tiếp hơn. Vì thế, quan hệ đồng nghiệp anh (chị) và em là cách thể hiện phù hợp hơn và khá phổ biến hiện nay. Cách xưng hô này còn thể hiện bầu không khí tâm lý dân chủ, bình đẳng, không có rào cản tâm lý trong môi trường sư phạm của những đồng nghiệp với nhau, đồng thời sẽ giúp cho những người trẻ có thể quan hệ công việc một cách công bằng, thoải mái với những người lớn tuổi hơn mình. Một số đồng nghiệp trẻ thường tự tạo ra cho mình một sự thân mật kiểu gia đình qua cách xưng hô kiểu bác (chú, cô) với cháu, thậm chí là xưng con nên đã làm khó cho chính họ trong giao tiếp và không ít lần gây nên những tình huống dở khóc dở cười kiểu “em chào chú!” hoặc “cháu chào anh”, dẫn đến tâm lý quá suồng sã hoặc ngại ngùng, e dè, nể nang với những người lớn tuổi. Từ đó trong quan hệ làm việc cũng thường bị chi phối bởi tư tưởng “bề trên” nên thiếu chính kiến phản biện hoặc thể hiện lập trường quan điểm của mình.

Mỗi giảng viên hãy thể hiện với những đồng nghiệp của mình một cách trân trọng và thực sự dân chủ (tuyệt đối tránh kiểu cá mè một lứa). Không nên tạo ra khoảng cách lại làm khó cho chính mình trong những cách xưng hô rối rắm.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công