Thứ năm, 26/4/2018, 22h30

Xây dựng định mức và giá của khoảng 3.000 dịch vụ y tế

Vic điu chnh giá dch v y tế có nh hưng tích cc đến ngưi bnh (nh: Các bác sĩ Bnh vin Bình Dân, TP.HCM đang phu thut cho mt bnh nhân). Ảnh: H.Triều

Ngày 24-4, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, trong thời  gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37 ngày 29-2-2015 đối với giá dịch vụ BHYT và Thông tư số 02 ngày 15-3-2017 cho giá dịch vụ ngoài BHYT; trong đó đã quy định mức giá gồm 2/4 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Đến nay cả nước đã thực hiện mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh, đặc biệt người có thẻ BHYT được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng, quyền lợi được tăng lên, giảm phiền hà.

Tuy nhiên do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên sau khi thống nhất với Bảo hiểm Xã hội, Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn gồm: công văn 824/BYT-KH-TC ngày 16-2-2016, công văn 1044/BYT-KH-TC ngày 29-2-2016, công văn 7117/BYT-KH-TC ngày 27-9-2016. Bên cạnh đó, có một số dịch vụ kỹ thuật có số ca thực tế so với định mức tính giá chênh lệch nhiều. Cụ thể một số đơn vị có lượt khám bệnh/bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (tuyến huyện do thông tuyến từ 1-1-2016); một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá. Theo đó, liên bộ đã thống nhất phương án sửa đổi chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: đến 5-2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37; giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) - cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội; từng bước giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập...

Hà Anh