Thứ năm, 21/5/2015, 23h00

Xin cơ chế đặc thù, nhưng “quên” giải quyết đầu ra

Vừa qua, tại TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực cho Tây Nam bộ…

Lại xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh và quyền lợi!

Cơ chế đặc thù trong đào tạo dựa trên quyết định số 1033/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL (giai đoạn 2011-2015); được áp dụng cho cả khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên; theo đó, cho phép các trường ĐH trong vùng tuyển sinh đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng; cho phép các trường ĐH ngoài khu vực Tây Nam bộ liên kết với trường đủ điều kiện trong vùng để đào tạo.

Thành quả nổi bật trong đào tạo theo cơ chế này là ngành khoa học sức khỏe. GS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2008 đến 2014, ngoài đào tạo theo ngân sách, trường đào tạo theo địa chỉ sử dụng các tỉnh Tây Nam bộ 3.031 bác sĩ (BS), 1.193 dược sĩ (DS), 797 cử nhân. Góp phần nâng tỷ lệ BS/10.000 dân đối với y tế công lập từ 4,26 (năm 2008) lên 5,78 (năm 2014). Tỷ lệ DS/10.000 dân từ 0,16 (năm 2008) lên 0,63 (năm 2014). Nếu tính cả công lập và ngoài công lập thì đến nay đạt 6,38 BS và 1,12 DS /10.000 dân. Riêng TP.Cần Thơ đạt gần 10 BS/10.000 dân. Với quy mô đào tạo như hiện nay, đến năm 2020 sẽ có đủ 9,0 BS và 2,0 đến 2,3 DS/1 vạn dân, theo QĐ số 122 ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khen thưởng những đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện cơ chế đặc thù

Tuy nhiên, dù số trường ĐH, CĐ và SV trong khu vực tăng khá nhiều nhưng theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tính đến năm 2014, vùng mới đạt 172 SV/10.000 dân (bình quân cả nước là 240 SV). Về nhân lực y tế, còn 332/1.611 xã chưa có BS. Bình quân 5,1 BS /vạn dân (cả nước 7,5 BS /vạn dân). Do vậy ngoài việc xin kéo dài thời gian thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu lên 20% đến 25% đối với ngành khoa học sức khỏe, ưu tiên đào tạo BS chuyên khoa I, chuyên khoa II và thạc sĩ, tiến sĩ; và 25% đến 30% đối với các ngành khác; đồng thời người học được đóng học phí bằng như SV chính quy…

Bỏ lơ đầu ra

Chất lượng đào tạo và sử dụng đúng nguồn nhân lực là vấn đề nổi bật tại hội nghị. GS.TS Phạm Văn Lình băn khoăn: “Chúng tôi đề nghị giảm dần đào tạo hệ liên thông BS, DS vì thực tế chất lượng đào tạo hệ này ra sao chúng ta đều biết, trong khi SV chính quy rất nhiều. Không nên đào tạo liên thông cho khu vực 3, chỉ đào tạo hệ này cho khu vực 1 và 2 và tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, BS liên thông mà làm việc ở tuyến Trung ương là vô lý, trình độ này chỉ làm được ở tuyến huyện. Đối với 22 huyện nghèo, việc xét cử đi học nên quy trách nhiệm như đào tạo theo địa chỉ, học xong phải về địa phương phục vụ. Tránh việc lấy danh nghĩa huyện nghèo để ưu tiên đi học, không phải thi tuyển sinh, sau đó lên TP.HCM công tác. Như vậy là không hợp lý”.

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đề nghị: “Cần có chính sách thu hút SV học xong về địa phương công tác. Hàng năm ĐH Cần Thơ có khoảng 500 kỹ sư, cử nhân người dân tộc Khmer ra trường. Phần lớn các em chưa có việc làm. Ngoài ra trường đang đào tạo 736 SV cử tuyển thuộc 22 huyện nghèo. Nếu chúng ta có chính sách thu hút các em thì sẽ có nguồn nhân lực rất lớn cho khu vực”.

Liên quan những vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, nêu vấn đề: “Trong báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chưa đề cập giải pháp sử dụng nhân lực sau khi đào tạo? Mặt khác, ĐH Y dược Cần Thơ cho biết: Giữ nguyên chỉ tiêu hiện nay thì năm 2020 trường sẽ đào tạo đủ số BS và DS/10.000 dân theo quy định. Như vậy vì sao lại phải xin tăng quy mô tuyển sinh theo cơ chế đặc thù và mở rộng đào tạo đến ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch? Ngoài ra năng lực của ĐH Y dược Cần Thơ không đủ để đào tạo 5 chuyên ngành hiếm, và giải pháp đào tạo BS đa khoa rồi đào tạo thêm 2 năm cho người học các chuyên ngành này, cần phải có chế tài để người học chấp nhận học chuyên khoa hiếm này theo như đăng ký đầu vào?”.

Trước những kiến nghị của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ sẽ giao chỉ tiêu sớm để các địa phương và nhà trường không bị động. Bộ đã trao đổi với Bộ Y tế và các ngành liên quan nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đối với cơ chế đặc thù, nghĩa là bộ sẽ và chỉ giao chỉ tiêu đào tạo phù hợp năng lực các trường ĐH. Về đề nghị hạ điểm xét tuyển, các trường không nên giảm dưới điểm sàn mà chỉ nên giảm tương ứng với điểm xét tuyển theo từng ngành của trường. Không nên cào bằng điểm xét tuyển vào ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để tránh khoảng cách quá xa về chất lượng đầu vào giữa SV cơ chế đặc thù và SV chính quy trong cùng một ngôi trường. “Cùng trên địa bàn TP.HCM nhưng điểm đầu vào của ĐH Y dược TP.HCM cao hơn ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhiều. Do vậy việc xét tuyển SV cơ chế đặc thù vào trường nào cần dựa vào số điểm thi của các em. Điểm thấp mà vào học ở trường có điểm chuẩn cao sẽ càng tạo sự mặc cảm, tự ti cho các em”, Phó vụ trưởng Vụ GD-ĐT phân tích.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu ĐH Y dược TP.HCM hỗ trợ ĐH Y dược Cần Thơ trong đào tạo 5 chuyên ngành hiếm. Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính tìm giải pháp về học phí cho SV cơ chế đặc thù. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các trường cần đặc biệt chú ý chất lượng đào tạo. Không nên lấy đầu vào thấp quá, chẳng hạn ngành y, học xong ra trường nhưng không đủ năng lực, bà con không đến điều trị thì coi như các trường không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đầu vào quá thấp so với yêu cầu đào tạo, chúng ta có chương trình bổ túc văn hóa thêm. Khi các em có đủ kiến thức thì đào tạo. Tránh việc ưu tiên, dễ dãi cho điểm, hạ thấp chất lượng đào tạo khiến người học ra trường không có năng lực hoặc không quan tâm tới các em. Ngoài ra các tỉnh - thành phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ để nắm số em đã và đang học để có kế hoạch sử dụng”.

Bài, ảnh: Đan Phượng