Thứ ba, 27/12/2016, 21h48

10 năm dấu ấn kỳ thi thực chất

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2017, đánh dấu 10 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 - một kỳ thi được đánh giá là thực chất nhất từ trước tới nay.

Trước kỳ thi này, ngành giáo dục lúc đó chịu nhiều áp lực của dư luận buộc phải tổ chức kỳ thi THPT thực chất. Truyền thông liên tục đưa tin về các vụ tiêu cực lớn trong các kỳ thi THPT trước đó làm cả nước bị sốc.

Năm 2006, lần đầu tiên một vụ bê bối liên quan đến cả hội đồng thi bị báo chí phanh phui ở tỉnh Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Hà Nội) làm dư luận phẫn nộ. Ở Hội đồng thi Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây, gần cả hội đồng thi “bị mua” bởi những chiếc phong bì bồi dưỡng và những bữa cơm rượu thịt thịnh soạn của một số người lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh. Các giám thị để mặc phòng thi náo loạn bởi cảnh quay cóp, ném tài liệu diễn ra như chỗ không người. Tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An, những đoạn phim quay được cảnh hỗn loạn khiến cả nước bị sốc. Sau buổi thi, những bao tải phao thi được thu gom làm đau lòng người nhiệt huyết với giáo dục. Tại Tiền Giang, Hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc THPT Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, giám khảo chấm thi phát hiện 991 bài thi có dấu hiệu thí sinh đã chép bài của nhau. Tại Bạc Liêu phát hiện 1.746 thí sinh được nâng điểm để đỗ tốt nghiệp…

Các hiện tượng tiêu cực trong thi cử đang làm xói mòn, triệt tiêu động lực “dạy tốt, học tốt” của thầy và trò. Trước tình hình này, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2006-2007 diễn ra tháng 7-2006, Bộ trưởng GD-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, coi đây là khâu đột phá để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, trong thi cử. Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng 64 giám đốc sở GD-ĐT cả nước đã ký cam kết bày tỏ quyết tâm chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong toàn ngành.

Tiếp đến, ngày 8-9-2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 33 về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.  Ngành giáo dục cả nước vào cuộc chống tiêu cực trong thi cử với quyết tâm rất cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 diễn ra 3 ngày 30, 31-5 và 1-6 trong sự hồi hộp của ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia và các địa phương. Người ta đang nóng lòng chờ đợi quả đầu mùa của cuộc vận động “2 không”.

Tối 2-6-2007, Bộ GD-ĐT họp báo thông báo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 chỉ có 139 thí sinh vi phạm quy chế thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là ông Đỗ Văn Chừng khẳng định nhưng chẳng ai dám tin. Đến thời điểm đó cả nước chưa phát hiện vụ tiêu cực nổi cộm nào. Chỉ có một nguồn tin nói có hiện tượng lộ đề thi môn sử. Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết đã kiểm tra cho thấy đề thi từ hội đồng thi lọt ra ngoài chứ không phải là lộ đề.

Gần nửa tháng sau, kết quả kỳ thi lần lượt được công bố ở các địa phương. Dư luận lại một phen thót tim vì không thể tin được vào các con số tỉ lệ tốt nghiệp. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 66,6%; bổ túc THPT 26,6%, thấp nhất từ trước tới nay. Có địa phương như tỉnh Tuyên Quang, tỉ lệ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 14,1% và bổ túc THPT là… 0,22%. Đồng thời có hàng chục trường THPT không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp như: THPT Đinh Tiên Hoàng (Quảng Ngãi), THPT dân lập Vân Phú (Phú Thọ), 2 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An, 1 trung tâm ở Đắk Lắk và 3 ở Yên Bái... Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chỉ có 1 học sinh đậu tốt nghiệp. Tại tỉnh Hòa Bình, Trường THPT Mai Châu B chỉ có duy nhất 1 thí sinh “vượt vũ môn”, Trường THPT dân lập Âu Cơ (Phú Thọ) cũng chỉ có 1 thí sinh “vượt vũ môn”. Cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có 1 học sinh đỗ loại giỏi, 15 em đạt loại khá…

Có những tỉnh mà kết quả thi tốt nghiệp THPT 2007 so với kỳ thi trước khác xa một trời một vực. Tỉnh Cao Bằng có tỉ lệ đỗ năm 2007 là 27,78%, trong khi năm trước là 86,8%; Yên Bái: 26,68% và 69%; Bình Phước: 58,27% và 93,07%; Nghệ An 44,57% và 98%...

Với những kết quả “điên rồ” trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 được dư luận đánh giá là kỳ thi thực chất nhất từ trước tới nay. Đã 10 năm trôi qua, những kinh nghiệm quý của kỳ thi này đã được tiếp thu và góp phần mang đến diện mạo mới của kỳ thi THPT quốc gia hiện nay.

Từ Nguyên Thạch