Thứ năm, 22/6/2017, 22h40

5 vấn đề “nóng” của ngành giáo dục

Chúng ta biết rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, giáo dục luôn luôn đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và thế giới. Là một giáo viên lâu năm trong nghề luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tôi có một số vấn đề cần chia sẻ.

Nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD-ĐT hạn chế các cuộc thi dành cho học sinh là tốt nhưng cần duy trì kỳ thi vở sạch chữ đẹp ở bậc tiểu học. Ảnh: N.Trinh

Vấn đề 1. Hiện nay, sinh viên ra trường không có việc làm ngày một nhiều dẫn đến tốn kém không chỉ của phụ huynh mà còn uổng phí nhân lực cho quốc gia. Vì vậy, cần phân luồng học sinh sau khi học xong bậc THPT. Chỉ 60% vào ĐH và 40% còn lại học nghề để tham gia thị trường lao động. Muốn vậy, phải làm tốt hơn nữa khâu hướng nghiệp ở các trường THPT. Mỗi khu vực, Nhà nước cần đầu tư một trường ĐH với mục đích đào tạo nghề. Ngành nghề đào tạo phải đạt chuẩn của khu vực và thế giới. Cam kết đầu ra để phụ huynh yên tâm khi cho con vào học.

Vấn đề 2. Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT là giảm bớt các cuộc thi để nhà trường tập trung vào nhiệm vụ dạy và học nhưng không thể bỏ tất cả mà phải duy trì một số kỳ thi sao cho phù hợp, cụ thể như sau:

Đối với học sinh: Bậc tiểu học với phương châm mỗi ngày đến trường là một ngày vui nên duy trì kỳ thi vở sạch chữ đẹp từ cấp trường đến cấp quận (huyện); bậc THCS duy trì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa và thể thao mang tính truyền thống như trước đây đến cấp tỉnh; bậc THPT như bậc THCS nhưng mở rộng đến cấp quốc gia.

Đối với giáo viên: Thi giáo viên giỏi nên đổi thành thi tiết dạy hay, thi chủ nhiệm giỏi nên đổi thành thi ứng xử tình huống.

Vấn đề 3. Chúng ta sống trong thời đại công nghệ thông tin. Tôi kiến nghị bỏ một số sổ sách không cần thiết để giáo viên đỡ vất vả. Chẳng hạn, bỏ học bạ truyền thống mà chuyển sang học bạ điện tử; cuối năm nhà trường in ra để ký, đóng dấu và lưu trữ. Bỏ sổ gọi tên và ghi điểm (gọi là sổ điểm lớn) vì đã có VNPT. Sổ chủ nhiệm nên tinh giản hơn vì có một số nội dung trùng lắp với các loại sổ khác.

Vấn đề 4. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ ra trong phạm vi chương trình lớp 12. Nếu ra thêm chương trình lớp 10 và 11 tôi e học sinh học không nổi. Một kỳ thi với hai mục đích là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH nên đề thi cần chia làm ba mức. Mức 1 dành cho học sinh trung bình và yếu khoảng 6 điểm, mức 2 dành cho học sinh khá khoảng 2 điểm và mức 3 dành cho học sinh giỏi khoảng 2 điểm. Bộ GD-ĐT cần quy định những học sinh có bài thi mỗi môn đạt 6 điểm trở lên mới cho nộp xét tuyển ĐH, còn lại cho vào các trường nghề. Nếu bộ để các trường tuyển sinh ào ạt sẽ dẫn đến chất lượng kém và ra trường lại không có việc làm. Đối với bài thi tổng hợp, một buổi các em thi ba môn và mỗi môn cách nhau 10 phút. Do thời tiết tháng 6 rất oi bức những em có sức khỏe yếu sợ không kham nổi. Các em đang căng não để thi môn thứ nhất vừa xong và chưa hồi kiến thức lại thi môn tiếp theo. Hay chăng, mỗi môn nên cách nhau 20 phút để học sinh thoải mái tinh thần thì chất lượng bài thi mới tốt được.

Vấn đề 5. Hiện nay, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc chuyển giáo viên thành dạng hợp đồng. Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương này vì đây là động lực giúp cho ngành giáo dục phát triển. Giáo viên nào muốn tồn tại thì phải phấn đấu còn không sẽ bị đào thải. Lúc đó, giáo viên có quyền hợp đồng bất kỳ một trường nào thấy phù hợp và có quyền đòi hỏi một mức lương cho tương xứng năng lực của mình. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện cho giáo viên lớn tuổi không đáp ứng công cuộc cải cách chương trình phổ thông nghỉ hưu sớm. Để trường học thật sự dân chủ, cần có văn bản chế tài đủ mạnh để ngăn chặn sự lạm quyền của hiệu trưởng, còn không thì tranh chấp hợp đồng liên miên. Khi chuyển sang hợp đồng, mỗi trường chỉ cần đánh giá giáo viên theo bốn loại: Lao động giỏi, lao động tiên tiến, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Bỏ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Những giáo viên nào có nhiều thành tích đóng góp cho trường thì đề nghị cấp trên tặng giấy khen hay bằng khen.

ThS. Nguyễn Quang Thi
(Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)