Thứ tư, 9/3/2011, 09h03

Bài học luôn gắn kết với thực tiễn

HS đang diễn kịch trong giờ GDCD do thầy Nguyễn Thành Long giảng dạy
Giáo dục công dân (GDCD) là một bộ môn quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách đạo đức cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nếu giáo viên không có những phương pháp dạy thích hợp thì học trò sẽ khó tiếp thu, vì môn học này vốn được xem là khô khan, không sinh động.
Hiểu được tính chất của môn học này, thầy Nguyễn Thành Long, giáo viên bộ môn GDCD Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) đã tìm ra nhiều phương pháp giảng dạy hay nhằm cải thiện chương trình GDCD cho phù hợp với từng lứa tuổi HS. Một trong những phương pháp đó là đưa kịch vào lớp học được các em HS tiếp thu tích cực.
Kịch hay, HS hứng thú
Thầy Nguyễn Thành Long cho biết: “Môn GDCD ở bậc THCS có nhiều kiến thức về pháp luật khá khô khan, nếu giáo viên chỉ cung cấp hoàn toàn những kiến thức trong sách giáo khoa (SGK) một cách máy móc thì tiết học sẽ trở nên nhàm chán. Vì thế, giáo viên phải là người tìm ra các phương pháp giảng dạy thích hợp để HS có cách tìm hiểu, khai thác các kiến thức qua cách vận dụng nguồn tư liệu quý giá từ thực tiễn thì tiết học mới sinh động và hấp dẫn”.
Xuất phát từ những suy nghĩ này, thầy Long thường xuyên tạo một giáo án khá công phu, vì trong tiết học, thầy không chỉ có đứng trên bục giảng mà nhiều lúc thầy còn đóng vai là học trò để nghe các em trình bày những hiểu biết của mình. Thầy Long cũng có quan niệm giống với nhiều giáo viên là muốn trở thành thầy giỏi, người giáo viên cũng phải có nghệ thuật - nghệ thuật giảng dạy, người thầy có khi đứng trên bục giảng truyền đạt lý thuyết, có khi phải tự coi mình giống như học trò ngồi ở dưới để nghe học trò của mình trình bày cái gì?... Chính vì thế, trong những tiết dạy của mình, thầy Long đều cố gắng tạo ra các buổi tọa đàm mini với những vở kịch ngắn nhưng có nội dung rất hay và phù hợp với nội dung tiết học. Còn với học trò, mỗi tiết học là một màn kịch, ở đó các em được làm diễn viên, khi là quan tòa, lúc làm luật sư, và có khi là phạm nhân chịu tội trước tòa án của pháp luật và tòa án lương tâm…
Em Ngọc Anh, HS lớp 9/7 cho biết: “Năm học lớp 8, em được học những tiết học GDCD của thầy rất sinh động và bổ ích. Ở bài “Phòng chống các tệ nạn xã hội” như cờ bạc, ma túy, gái mại dâm… chúng em được tự lên kịch bản dàn dựng một vở kịch nhỏ cho phần mở đầu của buổi tọa đàm để các bạn cùng trao đổi, bình luận và phản biện. Trước khi viết kịch bản, chúng em được thầy hướng dẫn và cung cấp một số tài liệu về ma túy như có bao nhiêu loại ma túy, nguyên nhân, thực trạng cũng như hậu quả của nó ảnh hưởng xấu đến các bạn trẻ nói riêng và xã hội nói chung như thế nào… để dàn dựng vở kịch có tính thiết thực với bài học”.
Thông thường, trước buổi tọa đàm cho một bài học nào đó khoảng vài tuần, thầy Long đều dặn HS chuẩn bị tài liệu cho buổi học. Biết HS còn phải dành thời gian cho các môn học khác nên thầy cũng không bắt buộc các em đầu tư nhiều thời gian cho môn học này mà hướng dẫn cho các em các tài liệu cần tìm trước rồi sau đó là cử một nhóm khoảng 5-7 em làm diễn viên diễn kịch cho cả lớp xem. Vì vậy mà tiết học của thầy luôn được HS đánh giá là nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả.
Thầy Nguyễn Thành Long chia sẻ: “Tất cả các vở kịch tôi thường để HS tự lên kịch bản, tự chọn trang phục. Vở kịch có thể là đúng hoặc sai nhưng để toát lên được nội dung của bài dạy. Sau các vở kịch, tôi nhanh chóng tổ chức, hướng dẫn cho các em tranh luận theo chiều hướng nội dung bài học. Chúng ta đừng nghĩ rằng việc diễn kịch sẽ chiếm hết thời gian tiết dạy, mỗi vở kịch mất chỉ khoảng 5-7 phút, thời gian này tôi có thể thay thế cho thời gian kiểm tra bài cũ. Vì mỗi lần diễn kịch là các em cũng cần một thời gian ngắn để tìm hiểu về nội dung bài học rồi”.
Kiến thức cần cóp nhặt từ thực tiễn
Để tạo ra tính hợp tác giữa thầy và trò trong giảng dạy, ngoài phần diễn kịch thầy Long còn vận dụng các phương pháp như thảo luận nhóm, thuyết trình… nên tiết học GDCD bao giờ cũng tránh được sự nhàm chán cho HS.
“Xã hội luôn thay đổi, trong khi đó chương trình SGK không thể cập nhật thường xuyên được những thay đổi này mà cần có thời gian để cân nhắc, sửa chữa. Vì thế, để bài học luôn đi đôi với hành, học cần gắn kết với thực tiễn thì giáo viên giảng dạy bộ môn này cần phải nhanh chóng nắm bắt những kiến thức thực tiễn ngoài SGK để truyền đạt cho các em”, thầy Long chia sẻ kinh nghiệm.
Em Nguyễn Thu Hà, HS lớp 9/7 kể: “Ở bài “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân”, SGK chỉ định nghĩa hôn nhân là gì? Trong khi đó, ở độ tuổi của chúng em đã có nhiều bạn phát triển về tâm lý, các bạn luôn có những phân vân, thắc mắc về những vấn đề khác như tình bạn, tình yêu… Như hiểu được tâm lý của chúng em, khi dạy bài này thầy đã tổ chức một buổi thảo luận về sự khác biệt giữa tình bạn và tình yêu, những nhầm lẫn, ngộ nhận của lứa tuổi học trò trong tình yêu rất sinh động. Ngoài ra, thầy còn cho chúng em tìm hiểu về các kiểu gia đình, hôn nhân trên thế giới và sự khác biệt trong tình yêu, hôn nhân và gia đình. Những kiến thức thầy mở rộng thêm mà SGK chưa cập nhật làm cho tiết học trở nên rất sinh động và hứng thú”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hầu hết HS học môn GDCD do thầy Long dạy đều cho rằng môn học này không hề nhàm chán mà các em được học thêm nhiều kiến thức thực tiễn ở ngoài xã hội.