Thứ tư, 16/2/2011, 15h02

Bài toán đào tạo gắn với việc làm

 

Nhiều năm qua, mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp (DN) đã phát huy được hiệu quả. DN thì sử dụng được nguồn lao động (LĐ) sát với công việc còn học sinh, sinh viên (HS, SV) sau khi ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên, việc nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của DN đến nay vẫn còn nhiều điểm phải bàn.
Ông Vo Quang-Hue, Giám đốc Công ty TNHH Robeert Bosch Việt Nam cho biết: “Hiện nay công ty đang cần tuyển 50 LĐ có tư duy và tay nghề để đưa qua Đức đào tạo nhằm phục vụ cho việc phát triển của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất khó tìm người phù hợp”. Lý giải điều này ông Hue và nhiều DN cho rằng, các đơn vị đào tạo hiện nay chưa thật sự lắng nghe nhu cầu của DN để đào tạo mà vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Đa phần các đơn vị còn đào tạo theo nhu cầu thực tế ngắn hạn mà chưa có những chiến lược thực sự bài bản. Còn ông Nguyễn Quang Thanh, Phòng Nhân sự Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định: “Cả năm chúng tôi thường xuyên xuống tận các trường cao đẳng, đại học để “săn” sinh viên. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc đào tạo hiện nay của nhà trường còn quá xa thực tế”. Ông Thanh lấy một ví dụ để làm rõ cho nhận định vừa rồi của mình. Khi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kinh doanh, ông nhận ra rằng ngay cả kỹ năng giao tiếp các bạn SV cũng chưa được đào tạo bài bản, còn tuyển dụng nhân sự cho bộ phận dây chuyền sản xuất thì các em còn quá xa lạ với máy móc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như năng suất làm việc của người LĐ.
Nói đến những nguyên do khiến nguồn nhân lực Việt Nam chưa đạt yêu cầu, nhiều ý kiến cho rằng do DN thiếu tính liên kết với nhà trường. Bởi trên thực tế là hiện nay có không ít trường đào tạo ra nguồn nhân lực được các DN rất hài lòng như các trường: Cao đẳng Nghề TP.HCM, Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng Công thương TP.HCM, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Nguyễn Tất Thành… TS. Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM cho rằng: “Hiện nay nhà trường đang đào tạo theo đơn đặt hàng cho hơn 10 DN. Và trên thực tế có khá nhiều SV khi ra trường là được các DN tuyển vào làm việc ngay. Thậm chí SV các ngành như: điện lạnh, cơ khí còn được “đặt hàng” khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để có được kết quả khả quan này, DN cần lên tiếng và phối hợp chặt chẽ với nhà trường”.
Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho rằng: “Với một đơn vị sự nghiệp giáo dục thì phần lớn chương trình đào tạo đều phải tuân thủ theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường có trách nhiệm đào tạo cho SV những kiến thức chung. Theo đà đó, các em phải tự hoàn thiện mình và học tập thêm tại DN mà các em đến làm việc”.
V.M
ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: DN phải có chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”

Hiện nay, nhiều trường tại TP.HCM đã có chiến lược đào tạo bài bản bằng cách đầu tư chu đáo cho đội ngũ quản lý thầy cô giáo, cơ sở vật chất đặc biệt là các trường giáo dục chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc đào tạo tiếp hay đào tạo lại tại các DN là cần thiết khi HS, SV mới ra trường vì các em còn thiếu kỹ năng làm việc và phải có thời gian hòa nhập với môi trường mới. Song song đó, các DN nên có chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, đưa LĐ đi học tập, nâng cao trình độ hoặc đi tu nghiệp ở nước ngoài để có nguồn nhân lực giỏi nhằm phục vụ sự phát triển của chính mình và xã hội.